Thiếu nước sạch ở nơi đầu nguồn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:42, 24/08/2011

2.300 hộ dân ở xã Ngọc Liên đang phải loay hoay tìm cách để xử lý nguồn nước vàng khè, nhiều cặn và nặng mùi hôi tanh để dùng trong sinh hoạt.


Bình lọc nước của gia đình ông Hoàng Kim Bội ở thôn Mỹ Hảo mới dùng được nửa tháng đã đen kịt


Thời gian gần đây, 2.300 hộ dân ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đang phải loay hoay tìm cách để xử lý nguồn nước vàng khè, nhiều cặn và nặng mùi hôi tanh để dùng trong sinh hoạt. Trong khi đó, xã Ngọc Liên chính là nơi đầu nguồn cung cấp nước sạch cho TP Hải Dương.

Nhiều hộ dân ở xã Ngọc Liên cho biết, khoảng 10 năm về trước, họ đào giếng khơi chỉ sâu 5 - 7 m là có được nguồn nước dồi dào, sạch sẽ phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt. Bây giờ, nguồn nước bắt đầu cạn dần, mọi người phải chuyển sang giếng khoan, phải dùng máy bơm đưa nước về bể và trải qua công đoạn lọc nước mới sử dụng được. Hồi đầu, vài tháng mới phải thay cát lọc thì nay chỉ khoảng 1 tháng đã phải thay. Trên địa bàn xã Ngọc Liên hiện có 3 trạm nước sinh hoạt thuộc Xí nghiệp Sản xuất nước Việt Hòa (Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương), tổng công suất thiết kế đạt 10 nghìn m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho TP Hải Dương. Từ khi các trạm đi vào hoạt động (năm 2002) thì nguồn nước sạch cạn kiệt dần. Xã có 10 thôn thì 5 thôn gồm Mỹ Hảo, Ngọc Trục, Cẩm Trục, Thu Lãng, Mỹ Vọng ở xung quanh các trạm bơm này đang ở trong tình trạng khan hiếm nước sạch. Ông Nguyễn Đình Khắc, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: "Nguồn nước bị cạn kiệt, độ ẩm của đồng ruộng cũng kém đi nên xã phải thêm chi phí tưới nước cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xã vừa phải chuyển đổi hơn 70 ha ruộng khô, khó trồng trọt sang sản xuất gạch".

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Ngọc Liên, trong 5 năm gần đây, toàn xã có 27 người chết vì ung thư, 11 người đang chống chọi với căn bệnh quái ác này. Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng thôn Mỹ Hảo cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, thôn có 28 người mắc bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư dạ dày, phổi, gan, hiện 3 người còn sống. Trung bình mỗi năm, xã có 2 - 3 người phát hiện mắc ung thư. Có gia đình cả hai vợ chồng, anh em cùng chết vì ung thư như gia đình ông Nguyễn Hồng Chính và bà Nguyễn Thị Chiêm, anh em ông Nguyễn Văn Lược và Nguyễn Thái Học. Những gia đình có người mắc ung thư vô cùng bức xúc, đặc biệt ở thôn Mỹ Hảo, bởi theo họ riêng trên địa bàn thôn đã có 2 trạm bơm và 1 trạm đặt ở xã Cẩm Hưng cũng nằm ngay cạnh. Đến thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Bấc (87 tuổi) bị ung thư hạch ở thôn Mỹ Hảo, chúng tôi thấy kể từ khi phát hiện cụ bị ung thư công đoạn lọc nước sinh hoạt của gia đình cũng lắm gian nan. Bác Hoàng Kim Bội, con trai cụ Bấc cho biết: “Gia đình bơm nước giếng khoan, sau đó để cho lắng cặn, lọc qua cát, than rồi lại lọc tiếp qua máy lọc nước mới dám dùng. Chiếc bình lọc nước mới mua được nửa tháng nay đã đen kịt vì cặn bám”. Bác Bội mang cốc nước giếng khoan chưa qua lọc máy, rót vào cốc nước chè thì ngay lập tức cốc nước này chuyển sang màu đen. Đến nay, “công nghệ” lọc nước ở xã cũng do người dân tự loay hoay tìm hiểu và học hỏi nhau. Sau khi lọc, nước có thực sự “sạch” hay không thì chưa ai dám khẳng định.

Trước nguy cơ nguồn nước cạn kiệt và không bảo đảm, xã đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có phản hồi gì và cũng chưa có đơn vị nào về tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch hay sức khỏe nhân dân trong xã. Mong mỏi lớn nhất của nhân dân lúc này là các cấp có thẩm quyền sớm vào cuộc, phân tích thành phần nước, tổ chức quan trắc môi trường, đồng thời cần ưu tiên nguồn nước sạch cho địa phương đầu nguồn.

NGUYÊN THẢO