Coi chừng hàng vật liệu xây dựng dởm

Thị trường - Ngày đăng : 13:03, 24/08/2011

Cùng với việc xuất hiện hàng nhái các hãng nổi tiếng, trên thi trường có nhiều loại sắt thép, phụ tùng sứ vệ sinh, vật tư ngành nước giả, kém chất lượng...


Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng tại Công ty CP Đoàn Minh Công (Tứ Kỳ).
Ảnh tư liệu


Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng sắt thép và thiết bị vệ sinh. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ 250 chiếc sen, vòi, thiết bị giả mạo nhãn hiệu Inax, 20 vòi xịt giả nhãn hiệu Picenza, gần 3.000 đầu nối, tê, cút giả mạo nhãn hiệu Tiền Phong...

Theo ông Bùi Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) thì hàng vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc hoặc hàng nhái, hàng giả chủ yếu là sắt thép, thiết bị vệ sinh, gạch men hoặc ống nước các loại. Hình thức vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, vi phạm nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa... Ngoài hàng nhái, hàng giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, thời gian gần đây đã xuất hiện hàng nhái, hàng giả được sản xuất trong nước như mặt hàng sắt thép có xuất xứ từ Đa Hội (Bắc Ninh), đồ sứ vệ sinh có xuất xứ từ Thái Bình...

Trong vai một người đi chọn hàng chuẩn bị xây nhà, tôi đến một cửa hàng bán thiết bị vệ sinh và gạch men trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Ngắm nghía một hồi, lấy lý do không đủ tiền mua hàng chất lượng cao, tôi được chủ cửa hàng tư vấn: “Nếu em không có tiền mua hàng chính hãng, chỗ chị có hàng cùng loại nhưng giá chỉ bằng một nửa. Như bộ bồn rửa của hãng Viglacera có giá khoảng 1,6 triệu đồng, nhưng hàng Doglacera chỉ có giá khoảng 750 nghìn đồng. Các nhãn hiệu khác như Inax, Toto, Cotto... đều có hàng cùng loại của Trung Quốc, nhưng giá chỉ bằng một nửa”. Theo anh Nguyễn Quang Chức, chủ doanh nghiệp tư nhân Quang Chức, số 5 đường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) thì hiện nay, trên thị trường có 50% các sản phẩm van, vòi là hàng Trung Quốc nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như Toto, Cotto, Inax, Viglacera, Ceasar, American Standar, Selta... Đây là những nhãn hiệu từ lâu đã được người tiêu dùng lựa chọn nên được làm giả nhiều nhất. Việc làm giả cũng rất tinh vi, nếu không phải là thợ chuyên nghiệp sẽ không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả bởi kiểu dáng, kích cỡ, nhãn mác rất giống nhau. Chỉ khi mua về dùng một thời gian, khách hàng mới phát hiện được do hàng giả rất nhanh hỏng. Hàng nhái, hàng giả cũng tập trung chủ yếu vào các thiết bị đi kèm bởi chúng dễ làm, chi phí đầu vào thấp và giá trị cao. Ngoài các thiết bị vệ sinh, vật tư ngành nước cũng được làm giả và bán tràn lan. Vào bất cứ cửa hàng ngành nước nào cũng có thể mua được hàng nhái hoặc hàng không rõ nguồn gốc với giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Trong đó, một số phụ kiện như đầu nối, tê, cút của Tiền Phong, Vespo... thường được làm giả nhiều nhất, vì chúng gọn, nhẹ và giá bán khá cao.



Hiện nay, trên thị trường vẫn có nhiều loại thép nhái theo nhãn hiệu thép nổi tiếng (ảnh chỉ có tính chất minh họa)


Theo chị Nguyễn Thị Liên, chủ doanh nghiệp kinh doanh thương mại Phúc Liên, số 195 đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) thì hiện nay,  các loại sắt, thép của các thương hiệu nổi tiếng bị làm giả tuy có giảm nhưng vẫn còn. Sắt, thép kém chất lượng thường được bán ở vùng nông thôn do phù hợp với thu nhập cũng như trình độ nhận thức thấp của người nông dân. Hiện nay, nhãn hiệu bị nhái nhiều nhất vẫn là thép Thái Nguyên (TISCO), thép Việt - Úc (V-ÚC, //V-ÚC), thép Việt - Hàn (VPS) hoặc Việt - Sing (NSV)... Mặc dù tình trạng hàng giả không còn công khai như những năm trước, nhưng nếu người tiêu dùng không phân biệt cẩn thận, các chủ hàng vẫn có thể đánh tráo bằng thép giả. Thép giả được sản xuất khá tinh vi, vì vậy người tiêu dùng rất khó nhận biết. Thậm chí, nhiều chủ xây dựng có kinh nghiệm vẫn khó nhận ra nếu không để ý kỹ.

Những loại thép này thường có xuất xứ từ Đa Hội (Bắc Ninh), với công nghệ sản xuất gia công, dùng nguyên liệu từ sắt, thép phế liệu nên lực cán kéo thấp, thép giòn hơn, dễ gẫy hơn. 

Từ nay đến cuối năm, ngành xây dựng sẽ bước vào mùa nhộn nhịp. Nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng tăng lên. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng hoặc vào những cửa hàng có uy tín hoặc các đại lý ủy quyền để được tư vấn và hưởng các chế độ bảo hành đầy đủ, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Những cây thép thật có màu xanh đen, các gai xoắn tròn đều và nổi hẳn lên, dọc hai sống cây thép có chỉ to bằng gai xoắn và tròn, ký hiệu trên thân cây thép rõ ràng, bề mặt của cây thép nhẵn, không sần, thép mềm và những vết gập của cây thép ít mất màu. Còn đối với thép giả, nước màu của thép có màu xanh rất đậm, gai xoắn của thép không đều bằng thép thật và không nổi cao thành gờ. Dọc hai sống của thép bè to và dẹt, không cao, ký hiệu trên thân cây thép không rõ ràng, bề mặt thép sần và cứng  nên những vết gấp bị mất màu nhiều. Quan trọng hơn, người tiêu dùng có thể quan sát ký hiệu trên thân cây thép. Nhãn hiệu TISCO thường được nhái thành TISSO, TIZZCO. Nhãn hiệu V-ÚC, //V-ÚC thường được nhái thành VUC hoặc VUA. Nhãn hiệu VPS thường được nhái thành HPS, APS...

 VỊ THỦY