Cây đa ông Lực

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:07, 02/09/2011


Minh họa: Phùng Anh Bản

Dạo đó là vào đầu năm 1945, thấy tôi cứ mãi lang thang chốn thị thành mà chả làm nên công trạng gì, bố mẹ tôi nhắn lên gọi tôi về quê. Nghĩ cho cùng, cái lo của bố mẹ tôi là có lý. Giữa thời buổi tao loạn, củi châu gạo quế, cái đói đang cận kề, vài ba bài báo được đăng tải trên tạp chí tiền nhuận bút không đủ sống thì về quê là thượng sách. Dù sao làng quê vẫn còn nhiều điều gắn bó với nhau, người trong họ ngoài làng chẳng ai nỡ bỏ nhau khi hoạn nạn. Thế là hôm sau tôi “khăn gói quả mướp” đi bộ về quê.

Quê tôi cách thị xã chừng mười lăm cây số. Khi tôi về đến quê thì ông Lực đã ở đây được dăm bẩy năm rồi. Hằng ngày, ông Lực ở trong cái miếu thờ thần linh nằm giữa nghĩa địa mênh mông của làng. Miếu thờ thần linh là một gian nhà đã xuống cấp, xập xệ. Nó y như người già yếu phải oằn lưng mang vác một vật quá sức. Ngoài mồ mả và những tấm bia mộ ra, còn rậm rịt la liệt bao nhiêu rặng xương rồng gai đâm ngang ngửa, cỏ dại mọc cao lút đầu người. Từ bao giờ không rõ, người làng tôi đặt nghĩa địa rất xa làng. Có lẽ vì thế mà nghĩa địa tự nhiên trở thành nơi chứa đủ mọi thứ tạp phí lù trên đời. Từ bộ quần áo mủn nát, những tấm ván hòm của người chết khi được bốc hót, đến rác rưởi tanh bẩn của người sống. Đất đá đào lên từng đống rồi bỏ mặc ngày này qua ngày khác.

Miếu thần linh là nơi để dân làng tôi cúng lễ mỗi khi mang người chết ra chôn hoặc mỗi dịp cuối năm người sống ra “thay áo, tắm rửa” cho người chết, hoặc nhang khói vào những ngày giáp Tết. Ông Lực làm ở đây một cách tự nguyện, không ai sai bảo, ép buộc. Hình như ông Lực lấy nơi đây làm chỗ trú mưa trú nắng là chính. Sống một mình nên chuyện ăn uống cũng không đáng bận tâm cho lắm. Nguồn thu nhập chính của ông là đào huyệt, chôn cất người chết, kiêm luôn cả chân bốc mộ, rửa ráy xương cốt vừa được đào lên, cùng những việc linh tinh khác xung quanh chuyện mồ mả, chết chóc.

Cạnh miếu thờ có một cây đa. Cây đa này do chính tay ông Lực trồng từ ngày mới đến. Ông giải thích đơn giản: “Để bà con đến đưa tiễn người thân có bóng mát trú chân mỗi khi trời nắng”. Điều đơn giản ấy mà người làng tôi không ai nghĩ ra. Ông Lực chăm bẵm cây đa quá người mẹ chăm con thơ dại. Đến ngày tôi về làng cây đa đã to lắm rồi. Bóng mát của nó trùm lên cả ngôi miếu thờ thần linh. Mùa đa chín, chim chóc đủ loại ở đâu kéo về đông lắm. Chúng kêu, chúng hót suốt ngày. Chúng kiếm ăn, làm tổ quanh cây đa, trong nghĩa địa. Chúng không sợ bọn trẻ con trong làng ra bắt chim non. Người làng tôi thích ông Lực ở cái nết cần cù, chỉn chu trong mọi công việc, tính tình lại vui vẻ, sởi lởi dễ gần. Ông Lực biết rất nhiều chuyện. Ông nói rằng vì cuộc sống mưu sinh nên ông phải lang thang nhiều nơi. Qua mỗi vùng quê ông lại học thêm được nhiều điều mới lạ. Hỏi đến chuyện vợ con, ông cười hiền: “Nghèo khổ như tôi chỉ có ma nó lấy”. Và sự thật ông Lực thường xuyên ở với… ma.

Tôi biết ông Lực từ ngày đầu ông về ở miếu qua lời mẹ tôi kể. Chốn thôn quê hễ có điều gì mới lạ xảy ra thì chỉ lát sau là cả xóm biết hết. Nhưng những ngày ấy tôi còn mải bon chen nơi thị thành nên chưa khi nào giáp mặt ông Lực. Những ngày mới về quê, tôi lang thang ra nghĩa địa làm quen với ông. Quen rồi thân. Thậm chí về sau tôi còn khề khà rượu chè cùng ông. Phải công nhận rằng ông Lực biết rất nhiều chuyện đông tây kim cổ. Biết tôi là người từng có truyện đăng trên báo, ông Lực khoái lắm. Ông nói về Nguyên Hồng, nói về Vũ Trọng Phụng, về Ngô Tất Tố mà cứ y như ông vừa mới gặp họ hôm qua. Kể từ đó cứ rỗi rãi là tôi ra chơi với ông. Lúc chén tạc chén thù, khi dông dài chuyện phiếm. Bỗng một hôm ông hỏi: “Chú viết văn chương thơ phú để làm gì?”. Tôi ớ người ấp úng: “Để… để kiếm tiền chứ sao. Vì tôi chả biết nghề ngỗng gì hết”. Ông Lực cười đầy vẻ bao dung: “Ai chả biết vậy. Nhưng cũng phải có mục đích cao cả hơn chứ. Chẳng hạn như tố cáo chế độ áp bức bất công của bọn thực dân phong kiến hoặc điều gì đó tương tự”. Tôi mở to mắt nhìn ông. Hồi ở thị xã, từng được nghe các bạn của tôi xì xầm về một đoàn thể bí mật. Những người trong đoàn thể này luôn bị chính quyền “bảo hộ” truy nã rất gắt gao. Một câu hỏi bật ra không kiềm chế: “Sự thật ông là ai?”. Ông Lực nhấn mạnh: “Tôi là kẻ mất nước”.

Tuy buổi trưa ở miếu thờ thần linh hấp dẫn và quyến rũ như vậy nhưng mỗi khi chiều xuống cảnh vật lại trở nên hoang vắng thê lương đến rợn người. Đàn chim táo tác gọi nhau, tiếng côn trùng rỉ rả nỉ non đây đó. Ma trơi, đom đóm, nơi đỏ quạch, chỗ lập lòe, nhìn đến vãi cả linh hồn. Đã gọi là nghĩa địa mà. Ông Lực nói như đinh đóng cột: “Nghĩa địa là phải có ma. Nếu không chả ai gọi là nghĩa địa. Tôi từng gặp vài lần”. Phần vì sự khẳng định của ông Lực, một người quá dầy dạn với người chết, phần khác vì nếu không có việc gì thật cấp bách, thật khẩn thiết chắc chắn chả có ai mò ra  nghĩa địa vào lúc đêm hôm khuya khoắt. Kể từ khi chạng vạng đến lúc rạng đông, nghĩa địa vắng heo vắng hắt. Chỉ có mình ông Lực làm chủ. Tôi chả tin vào lời ông Lực và cũng không sợ ma nên thỉnh thoảng ban đêm không ngủ được tôi xách chai rượu vào uống với ông. Uống rượu ban đêm ở đây chỉ có hai người, không sợ bị ai quấy nhiễu. Và nếu có lỡ say mà cãi nhau to tiếng cũng chỉ có… ma biết. Tuy vậy cũng có hôm ông Lực bảo: “Tối nay anh phải sang làng bên có chút việc. Chú đừng ra nhé!”. Chuyện ông Lực vắng mặt ban đêm hay ban ngày ở nghĩa địa là chuyện thường nhật. Tôi vô tư chưa bao giờ tìm hiểu xem ông Lực bận việc gì, đi đâu, làm cho ai. Tôi tin một người tốt như ông Lực dứt khoát không bao giờ làm chuyện xấu xa. Duy nhất có một lần vì quên mất lời dặn của ông, tôi mò ra miếu thờ thần linh lúc trời đã rất khuya. Tôi bất chợt nhìn thấy vài ba bóng đen di chuyển nhẹ nhàng nhanh nhẹn lúc ẩn lúc hiện sau những nấm mồ. Hình như còn mang vác cái gì đó nữa. Một vài tiếng chim lạ gọi nhau líu ríu. Các bóng đen mất hút trong đêm tối bịt bùng. Tất cả im lặng như tờ. Ông Lực không có “nhà”. Tôi cứ mông lung nghĩ ngợi: Những bóng đen kia là ai? Họ làm gì nơi nghĩa địa? Hay trên đời này có ma thật? Cố trấn tĩnh, tôi lặng lẽ quay về. Chiều hôm sau, gặp ông Lực đi vào làng, tôi kéo ông ra chỗ vắng khẽ rỉ vào tai. Nghe xong đầu đuôi câu chuyện ông thản nhiên nói: “Ma đấy! Nhưng cái vía của chú cứng quá đâm nó sợ. Thôi bỏ qua chuyện ấy, lát nữa chú ra tôi ta làm chén rượu cho bớt sợ”. Lát sau tôi và ông Lực lại khề khà chén chú chén anh. Mồi nhắm thì đủ thứ khỏi lo, cả nghĩa địa ê hề, dăm quả ổi xanh mọc dại, lúc vài quả ớt cay bỏng lưỡi. Hôm nào sang hơn thì đĩa ốc luộc mò ở cái ao cạnh nghĩa địa. Ốc ở đây béo ngậy. Con nào con nấy cứ múp đầu, vỏ đen như sừng, nước trong con ốc ngọt như đường phên. Cắn một cái ngập chân răng, nước miếng ứa ra đầy miệng. Trong mỗi cuộc nhậu như vậy, cứ qua một ly nhỏ, nỗi nhớ nhung về miền quê Thái Bình, nơi chôn nhau cắt rốn của ông thế nào cũng theo rượu lênh láng chảy về. Tôi chưa một lần đến Thái Bình quê ông nhưng qua hoài niệm hồi ức của ông, nhiều lần khiến tôi cũng tưởng mình là người Thái Bình chính gốc, nơi cánh đồng thẳng cánh cò bay, nơi bờ xôi ruộng mật mà vẫn đói vẫn khổ. Lâu dần tôi là người duy nhất trong xóm luôn được ông đối ẩm, được ông trút tình thương nỗi nhớ về một vùng quê nặng nghĩa nặng tình. Thế mà bây giờ phải xa phương cách xứ. “Tất cả chỉ vì bọn thực dân, phong kiến”. Kết thúc bầu tâm sự bao giờ ông Lực cũng nói câu này.

Một ngày vào cuối tháng 7 năm 1945, trong cái đói, người chết như ngả rạ nhan nhản khắp trên đất nước, ông Lực nói nhỏ với tôi: “Sắp có biến cố lớn. Anh phải đi vắng ít hôm. Chú đừng ra đây nữa”. Tôi hỏi: “Ông đi đâu? Bao giờ về?”. Như cố nén xúc động, ông Lực cầm tay tôi bóp nhè nhẹ: “Anh cũng không biết nữa. Chú là người tốt, thật thà quá. Thật thà ngay với cả kẻ thù của mình”. “Tôi làm gì có kẻ thù?”. “Có đấy! Kẻ thù ở đây chính là bọn Nhật, bọn Pháp và bè lũ tay sai bán nước, bọn địa chủ cường hào ác bá. Kẻ thù của nhân dân cần lao đấy chứ đâu. Anh đi rồi sẽ có người tìm đến chú. Mong chú đừng viết linh tinh nữa. Hãy viết, hãy làm những gì có lợi cho dân cho nước. Thôi tạm biệt. Hẹn gặp lại”. Nói xong ông Lực quay vào miếu khoác vội chiếc túi vải lên vai, rồi lẩn nhanh vào bóng đêm mịt mùng. Tôi đứng lặng giữa nghĩa địa mênh mông, như vừa mất cái gì đó quý giá nhất của đời mình. Tôi thực sự cảm thấy cô đơn. Ngẫm lời ông Lực nói sao nó giống những lời trong mấy tờ báo bí mật hồi còn ở thị xã chúng tôi đọc vụng với nhau. Một cuộc đổi đời sắp xảy ra. Hay ông Lực là người của Đoàn thể? Như người ngủ quá say, tôi chợt bừng tỉnh.

Hai ngày sau, vào lúc tôi đang ngủ, bỗng bị dựng dậy bởi hai người lạ mặt, đeo kính đen to bản, đội mũ chụp hết mắt. Một người bảo: “Mời anh lên huyện có chút việc”. Tôi còn đang phân vân, chần chừ, một trong hai tên móc luôn cây súng ngắn đặt đánh cộp xuống bàn, lạnh lùng: “Chúng tôi là Đơ Bê (Phòng Nhì). Yêu cầu anh nhanh lên cho. Chúng tôi có rất ít thời gian”. Nói xong, hai thằng kẹp hai bên lôi thốc tôi đi ngay. Một chiếc xe bịt kín đã chờ sẵn tự bao giờ, chúng đẩy tôi lên xe. Chiếc xe rú còi lao đi. Trên huyện, mấy thằng mặc thường phục xúm vào hỏi cung tôi: Nguyễn Văn Lực trốn ở đâu? Quê quán Lực ở thôn, xã, huyện nào bên Thái Bình? Quan hệ giữa tôi và Nguyễn văn Lực ra sao? Ông Lực giao cho tôi nhiệm vụ gì? Tôi thường xuyên đi thị xã liên hệ với ai? Để khóa họng tôi, một tên có vẻ là toán trưởng mở sổ tay đọc vanh vách những ngày giờ mà tôi và ông Lực ngồi nhậu nhẹt cùng nhau cũng như những lần tôi đi thị xã. Hắn đọc nhiều đến nỗi chính tôi cũng không nhớ nổi đúng sai nữa. Tôi thong thả nói với chúng rằng: “Tôi với ông Lực chỉ là bạn vong niên. Đúng là chúng tôi có thường xuyên ngồi nhậu với nhau thật, nhưng chuyện trò với nhau toàn chuyện văn chương, thơ phú, hoàn toàn vô hại. Quê ông Lực ở Thái Bình, còn thuộc thôn xã nào thì chịu. Quả thật trong nhiều lần nói chuyện với ông Lực tôi chỉ biết có vậy. Những lần lên thị xã là tôi mang bài mới viết gửi cho vài tờ tạp chí. Không tin các ông cứ hỏi các ông chủ bút sẽ rõ ngay”. Sau nhiều lần dọa dẫm kết quả không thay đổi, tên toán trưởng đập mạnh cây thước sắt xuống bàn quát: “Giải nó về căng 51. Vào đấy thì gan mày bằng trời cũng phải khai”.

Ít ngày sau, thị xã rầm rầm như trời long đất lở bởi tiếng hò reo của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nổi dậy cướp chính quyền. Cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm đỏ rực thị xã. Trong căng 51 thỉnh thoảng có tiếng súng nổ chát chúa. Tiếng la hét, tiếng đập phá cửa nhà lao lan nhanh ra các phòng giam. Trời sáng rõ mặt người tôi mới thoát khỏi được căng 51. Người đầu tiên tôi gặp ở cổng căng lại chính là ông Lực. Tôi ngỡ ngàng khi thấy ông đeo khẩu Côn bát. Trông ông trẻ lại đến chục tuổi. Tôi suýt không nhận ra. Ông nắm tay tôi hồ hởi: “Nước nhà độc lập rồi, không còn áp bức bất công nữa. Chú khá lắm. Chuyện trong tù của chú thế nào ngoài này anh rõ hết. Bây giờ chú về ngay quê. Anh đã giới thiệu chú với chi bộ rồi. Hãy mang sức trẻ ra phục vụ quê hương đất nước. Cho anh gửi lời cám ơn tới bà con nhân dân xóm Mây đã cưu mang che chở cho anh. Thôi tạm biệt”. Ông chủ động bắt tay tôi. Tôi chào ông rồi vội vã lần theo đường 5 về quê ngay trong ngày.

Nếu biết đó là lần gặp ông Lực cuối cùng chắc chắn tôi không thể rời xa ông nhanh đến thế. Bởi chỉ ít tháng sau, ông Lực hy sinh khi chỉ huy đại đội chặn đánh đoàn xe quân sự của Pháp.

Bây giờ nấm mồ tôi đắp cho ông Lực đã được cải táng từ xã Lai Vu về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Thái Bình. Tuy xa ông nhưng tôi lại rất mừng vì cuối cùng ông Lực đã được an nghỉ tại quê hương, nơi đã sinh ra ông, mà khi còn sống lúc nào gặp tôi, ông cũng trút thương trút nhớ.

Gần sáu chục năm đi qua, xóm Mây hôm nào còn heo hút nghèo khó, nay đã dọc ngang phố xá, đèn điện buổi tối sáng lòa. Nghĩa địa và miếu thờ thần linh cũng được di dời đi nơi khác. Riêng cây đa ngày xưa ông Lực trồng thì vẫn còn. Nó trở thành địa chỉ đỏ của xã của huyện. Nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện do ông Lực làm bí thư. Người dân quê tôi thường gọi là “Cây đa ông Lực”.

Truyện ngắn củaNGUYỄN SỸ ĐOÀN