Con của người anh hùng liệt sĩ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:14, 02/09/2011
Chứng kiến được cảnh này chắc hẳn hương hồn người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim cũng thấy vui và tự hào.
Anh Lân chuẩn bị đưa máy ra đồng
Trưởng làng văn hóa Xuân Cầu, xã Lạc Long (Kinh Môn) Nguyễn Đức Thuần dẫn tôi đến nhà và giới thiệu: "Đây là gia đình anh Nguyễn Văn Lân, con trai anh hùng liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim, người làm kinh tế giỏi của làng tôi theo mô hình nông nghiệp khép kín". Trước mặt tôi là người thanh niên vạm vỡ, chắc chắn có gương mặt hiền lành và miệng cười tươi tắn. Anh Lân vồn vã mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà cấp 4 làm đã lâu, dấu tích của thời bao cấp còn lại. Thấy tôi cao tuổi, Lân xưng là cháu. Anh kể tiếp: "Bố cháu về năm 1976 thì năm 1977 cháu ra đời. Cháu được 2 tuổi thì bố cháu hy sinh. Cháu chỉ được nhìn gương mặt bố cháu qua tấm ảnh thuê vẽ lại kia thôi". Vừa nói Lân vừa chỉ tay lên tấm hình vẽ chân dung hơi nghiêng của người cha quá cố treo trên bàn thờ.
Câu chuyện chuyển sang làm ăn kinh tế, Lân bảo: Cháu đã có gì đâu bác. Ở đây làm ăn khó lắm chứ không như nơi khác. Cháu lại mồ côi cha từ nhỏ, vợ chồng hai bàn tay trắng, nuôi hai con nhỏ. Ông bà nội cháu già rồi và cũng chỉ là nông dân... Quả thực, Lân nói không sai. Làng Xuân Cầu quê anh thuần nông, không bến đò, không chợ, không đường giao thông lớn nào chạy qua. Khi mà nhiều xã ở huyện Kinh Môn có nhà máy mọc lên, cơ sở sản xuất mọc lên, siêu thị mọc lên thì làng anh vẫn chỉ xoay vào cây lúa, cây hành và cây dâu. Cả xã mới có một cơ sở sản xuất gạch men nhỏ nhưng ở làng khác. No thì dân làng anh giờ no rồi. Còn làm giàu thì quả là không dễ, nhất là hoàn cảnh nhà anh. Không có điều kiện theo con đường bằng cấp hoặc mở ra công ty làm ăn lớn nhưng chí thoát nghèo thôi thúc anh. Thế là từ năm 2005, anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng, vay Hội Nông dân, vay của bà con để có vốn làm ăn. Lân mua máy làm đất, loại máy của Nhật ZEN-NOH ZL2201 tương đối hiện đại với giá lúc ấy là 60 triệu đồng. Máy làm cả việc cày bừa ruộng nước, cày bừa ruộng khô, làm đất trồng màu vụ đông. Anh làm tối ngày không hết việc. Ba vụ anh đã thu đủ vốn. Nhưng ngoài các vụ cấy trồng thì làm gì? Anh mua thêm máy xay xát loại dàn tách, mất hơn hai mươi triệu nữa. Nhưng nếu chỉ có xay thóc ăn cho bà con thì bao giờ thu đủ vốn. Một làng nhỏ chỉ có hơn 300 hộ với 1.100 khẩu mà 5 máy xay xát thì làm gì có việc. Từ suy nghĩ ấy, anh mua thêm máy nghiền ngô, sắn để làm thức ăn cho chăn nuôi và mở thêm nghề nấu rượu. Đong thóc về, máy nhà xay xát lấy gạo nấu rượu. Bỗng rượu và cám để nuôi lợn. Việc này làm nảy ra việc kia, anh quy hoạch lại vườn thành khu chăn nuôi và xây hơn mười chuồng lợn, 200m2 theo quy trình chăn nuôi kỹ thuật mới, sạch sẽ, thoáng mát. Lợn giống cũng của nhà. Thức ăn cũng do nhà sản xuất. Việc chăn nuôi ngày càng phát triển. Trung bình anh nuôi từ 150 đến 200 con mỗi lứa. Khi bán lợn thịt đều từ 80 đến 100 kg/con. Khi xuất chuồng có thợ đem ô-tô về bắt. Các công việc của gia đình anh thành một vòng khép kín, kể cả thời gian cũng khó có lúc rảnh rỗi. Vợ anh ngoài cấy hái bốn sào rưỡi ruộng, chị nấu rượu, đứng máy xay xát. Thu nhập của gia đình tăng lên rõ rệt. Tính trung bình mỗi năm, trừ chi phí, anh cũng còn thu từ 80 đến 100 triệu đồng. Con số ấy chưa lớn nhưng với hai vợ chồng trẻ lại ở vùng quê thuần nông, hoàn cảnh gia đình như thế cũng đã được bà con ca ngợi là giỏi giang và xếp vào loại giàu có của làng. Vì thế anh Lân đã hai lần được về dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi của huyện và được UBND tỉnh khen.
Sản xuất giỏi, vợ chồng anh còn nuôi hai con học hành tiến bộ, đồng thời săn sóc ông bà nội chu đáo nên gia đình anh nhiều năm được bà con bầu là gia đình văn hóa tiêu biểu của làng. Giờ đây, vợ chồng anh còn mua được đất và đang chuẩn bị làm nhà mới. Chứng kiến được cảnh này chắc hẳn hương hồn người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim cũng thấy vui và tự hào.
VĂN DUY