Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Miện: Khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu lao động
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:08, 07/09/2011
Có 2 tiêu chí mà Thanh Miện khó thực hiện nhất là đưa mức thu nhập bình quân gấp 1,5 lần và 75% số lao động ra khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Công ty May Hợp Tứ (thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường) thường xuyên tạo việc làm cho trên 200 lao động
Nhưng trong 19 tiêu chí xây dựng NTM có 2 tiêu chí mà Thanh Miện khó thực hiện nhất là đưa mức thu nhập bình quân của người dân lên gấp 1,5 lần mức thu nhập bình quân chung và đưa 75% số lao động của huyện ra khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sở dĩ việc chuyển dịch cơ cấu lao động gặp khó vì Thanh Miện là huyện thuần nông, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Do khó khăn về giao thông nên công nghiệp chưa có điều kiện phát triển. Đến nay, cả huyện mới có 2 công ty may, thu hút khoảng 4.000 lao động. Các xã, thị trấn cũng xuất hiện một số xưởng gia công may mặc, nhưng lượng lao động làm việc tại đây vẫn rất nhỏ, chủ yếu là lao động nông nhàn. Các ngành tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển manh mún. Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Thanh Miện không chỉ khó ở những xã ít có điều kiện phát triển kinh tế mà một số xã có điều kiện thuận lợi như Đoàn Tùng, Thanh Tùng, Phạm Kha... cũng không đơn giản.
Xã Đoàn Tùng có vị trí rất thuận lợi về giao thông vì các tuyến tỉnh lộ 20A, 392, 393 chạy qua. Những năm qua, công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã khá phát triển, đóng góp khoảng 70% giá trị sản xuất trên địa bàn. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất của xã đạt khoảng 70 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm khoảng 12,3%. Mặc dù các ngành tiểu, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ khá phát triển, nhưng lực lượng lao động trong các ngành này lại chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 27%. Số lao động còn lại hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, số lao động nông nghiệp chiếm 73% tổng số lao động trong xã.
Nếu như xã Đoàn Tùng phát triển mạnh kinh tế tiểu, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ thì xã Phạm Kha lại phát triển mạnh về trồng trọt, đặc biệt là cây rau màu. Vì vậy, cơ cấu kinh tế của xã Phạm Kha lại không thay đổi theo hướng chung khi tỷ trọng kinh tế nông nghiệp luôn luôn tăng. Ông Nguyễn Văn Mỳ, Chủ tịch UBND xã Phạm Kha cho biết, xã có 308 ha đất nông nghiệp. Tổng diện tích lúa và rau màu hằng năm là 784 ha, hệ số sử dụng đất luôn ở mức 2,5 - 2,7 lần. Trong đó, diện tích lúa 2 vụ đạt 446 ha, diện tích rau màu 3 vụ đạt 337 ha. Năm 2010, cơ cấu các ngành nông nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp - dịch vụ lần lượt là 64,3% - 17,2% - 18,5% (năm 2005 là 58% - 17,5% - 24,5%). Như vậy, kinh tế nông nghiệp tăng lên. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 53%. Xác định rau màu là cây trồng truyền thống cho thu nhập khá cao và giải quyết được việc làm cho người nông dân, nên chính quyền xã luôn khuyến khích người dân phát triển sản xuất. Vì vậy, tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa 75% số lao động của xã ra khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khó thành hiện thực.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động là khả năng tự chuyển đổi nghề nghiệp của nông dân. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nguồn vốn, đào tạo nghề và nhận thức của chính người dân, nên đa phần nông dân Thanh Miện không có khả năng tự chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong khi đó, công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp phát triển manh mún, không đủ sức hấp dẫn đối với lao động nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho nông dân cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến giữa năm 2011, số người trong độ tuổi lao động của huyện là 67 nghìn người. Số lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 10%. Từ đầu năm đến nay, huyện mới mở được 7 lớp dạy nghề may, chăn nuôi, thủy sản cho gần 300 học viên ở các xã, thị trấn. Trong đó, chỉ có 20% số lao động được đào tạo ở các ngành phi nông nghiệp. Trên thực tế, nhu cầu được đào tạo nghề của nông dân rất lớn, nhưng lựa chọn nghề gì, hình thức đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu của người dân lại là vấn đề không đơn giản.
Đồng chí Đinh Thế Chiêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho rằng, để hoàn thành tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng NTM, thời gian tới huyện sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn dành quỹ đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Tập trung tạo chuyển biến trong công tác dạy nghề cho nông dân, tăng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề lên 20% vào năm 2015. Trong đó, chú trọng đến những ngành nghề phi nông nghiệp như may mặc, cơ khí... Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện về thủ tục vay vốn cho người dân đi xuất khẩu lao động hoặc chuyển sang các nghề sản xuất phi nông nghiệp khác.
VỊ THỦY