Đưa ngân hàng đến gần người nghèo
Thị trường - Ngày đăng : 09:19, 07/09/2011
Việc các ngân hàng mở phòng giao dịch tại xã, giúp bà con vừa giảm bớt thời gian, công sức đi lại, vừa nhanh chóng, tiện lợi...
Việc tổ chức điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách
dễ dàng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trong ảnh: Giải ngân vốn cho hộ nghèo vay tại xã Tam Kỳ (Kim Thành)
Điểm giao dịch xã Gia Lương của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Gia Lộc cũng chật kín khách hàng. Ngoài việc thu nợ, thu lãi đến hạn, điểm giao dịch còn giải ngân vốn cho chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ mất chưa đầy 15 phút để hoàn tất các thủ tục và ký các chứng từ, cụ Nguyễn Thị Sửu, hơn 70 tuổi ở thôn Thành Lập đã được vay 8 triệu đồng. Cụ Sửu cho biết: Ngân hàng không mở điểm giao dịch về tận xã chắc tôi cũng khó vay vì tuổi già, đi lại khó khăn. Việc làm này giúp bà con vừa giảm bớt thời gian, công sức đi lại, vừa nhanh chóng, tiện lợi, khiến chúng tôi càng thấy phải có trách nhiệm hơn với đồng vốn được vay.
Theo bà Nguyễn Thị Mến, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Gia Lộc: Ngay sau khi thành lập, được sự hỗ trợ của ngân hàng cấp trên, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Gia Lộc đã khẩn trương triển khai các bước cần thiết để điểm giao dịch tại các xã, thị trấn hoạt động bảo đảm an toàn, với phương châm “đưa nguồn vốn đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách”. Phòng giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền các chế độ, chính sách, bình xét hộ vay chính xác...
Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng CSXH niêm yết công khai các chế độ, chính sách, lãi suất cho vay từng chương trình, danh sách hộ được giải ngân và dư nợ vốn, thông báo các quy định mới về các chương trình tín dụng... thông qua bảng thông báo. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả giúp nhân dân nắm rõ các quy định, mục đích, ý nghĩa của từng chương trình vay, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đối tượng sử dụng vốn.
Theo bà Nguyễn Thị Lô, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện nay, ngân hàng có 263 điểm giao dịch ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thông qua các điểm giao dịch cũng giúp cho ngân hàng kịp thời có những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH Hải Dương đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Dù cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng nhiều nơi vẫn ưu tiên, tạo thuận lợi cho điểm giao dịch của xã hoạt động hiệu quả, giúp dư nợ cho vay của các chương trình trên địa bàn tăng cao. Tính đến cuối tháng 8 này, tổng dư nợ cho vay của Hải Dương đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm 2010.
Để không ngừng phát huy vai trò của các điểm giao dịch xã, đưa ngân hàng đến gần dân hơn, thời gian tới, Ngân hàng CSXH Hải Dương tiếp tục công khai mọi thủ tục, chế độ liên quan đến đối tượng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng khác. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình tín dụng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Sau các buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, cán bộ các tổ chức hội, trưởng ban xóa đói giảm nghèo của xã tổ chức buổi họp giao ban để giải quyết những vướng mắc, rút kinh nghiệm trong giải ngân, thu vốn, lãi, đưa ra các giải pháp thực hiện các chương trình vốn phù hợp, hiệu quả tại địa phương... Từ những hoạt động đó, các điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nhận ủy thác và Ngân hàng CSXH có cơ hội tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Lồng ghép tuyên truyền về các dự án sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, các điểm giao dịch xã còn tạo điều kiện cho nhân dân và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn. Đồng thời, giúp hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình thẩm định cho vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn... |
HÀ VY