Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Hải Dương

Tin tức - Ngày đăng : 09:42, 10/09/2011

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, Hải Dương cần có những chính sách đầu tư riêng cho vấn đề môi trường trong các làng nghề...


Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Ngày 9-9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh ta về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề.

Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh ta có các đồng chí: Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh tinh thần nghiêm túc và đầy trách nhiệm của tỉnh trong việc thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 61 làng nghề đã được công nhận của tỉnh góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế như: 100% số làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải; chỉ có 50% số làng nghề có bãi chôn lấp rác thải; các thông số về môi trường tại một số làng nghề đều vượt quy chuẩn cho phép... Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, tỉnh cần có những chính sách đầu tư riêng cho vấn đề môi trường trong các làng nghề; xây dựng những chương trình hoặc những nhóm chuyên đề về bảo vệ môi trường cho các lĩnh vực cụ thể dưới sự giám sát của HĐND tỉnh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường; dần dần hướng tới yêu cầu các làng nghề và các hộ kinh doanh phải có các bản cam kết bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy hoạch làng nghề, từ đó chọn những làng nghề tiêu biểu, tập trung đầu tư xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường để nhân rộng mô hình; xây dựng lộ trình cụ thể trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và quan tâm đưa các công nghệ mới vào sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Trước đó, trong buổi sáng, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Phạm Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền và làng nghề nấu rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng). Cùng đi với đoàn, về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan. Đồng chí Phạm Xuân Dũng ghi nhận những kiến nghị của chính quyền địa phương về việc cần đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác bảo vệ môi trường trong làng nghề, thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề mộc Đông Giao, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ nhanh chóng giúp đỡ làng nghề nấu rượu Phú Lộc lấy lại thương hiệu rượu Phú Lộc đã bị mất.

VỊ THỦY