Giao thông đường sắt: Tai nạn giảm nhưng vẫn còn phức tạp
Tin tức - Ngày đăng : 07:12, 11/09/2011
Do còn quá nhiều đường dân sinh cắt ngang qua đường sắt không có gác chắn nên nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn vẫn rất cao.
Vụ tai nạn đường sắt ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) ngày 15-7
Tai nạn giảm đáng kể
Theo thống kê của Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà - Hải, cả năm 2009 toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ va chạm giữa tàu hỏa với người hoặc các phương tiện giao thông đường bộ, làm chết 35 người, 22 người bị thương, hư hỏng 12 ô-tô. So với năm 2008, tai nạn đường sắt tăng 9 vụ (34,6%), tăng 13 người chết (44,4%). Trước tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt tỉnh Hải Dương đã được thành lập, thực hiện quy chế phối hợp giữa ngành đường sắt và công an, trong đó bảo đảm an toàn giao thông là nhiệm vụ then chốt. Theo kỹ sư Vũ Kim Tuyền, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà - Hải, công tác phối hợp bảo đảm an toàn đường sắt của tiểu ban được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đa số hộ dân sinh sống ven đường sắt đã nhận thức tốt về quy định của pháp luật trong bảo đảm an toàn chạy tàu. Hành lang an toàn đường sắt toàn tuyến đã thông thoáng, không tái chiếm sau khi đã được giải tỏa. Đạt được kết quả trên do công tác tuyên truyền được chú trọng, tập trung tại các địa bàn phức tạp về an toàn đường sắt, như Cẩm Giàng, TP Hải Dương và Kim Thành. Tiểu ban đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng có nguy cơ cao về tai nạn đường sắt như học sinh, công nhân tại các huyện, thành phố có đường sắt đi qua. Việc giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường sắt cũng được quan tâm. Tiểu ban đã phối hợp với các ngành chức năng, các huyện và cơ sở giải quyết vi phạm đường dây thông tin tín hiệu, giải tỏa các vườn cây lấn chiếm hành lang. Sau khi xử lý, ngành đường sắt đều tổ chức ký kết với các hộ dân liên quan không tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra, ngành đường sắt đã tích cực phối hợp với công an các địa phương có 3 nhà ga phục vụ hành khách lớn là Cẩm Giàng, Hải Dương và Phú Thái, thường xuyên vận động không bán hàng rong, xe ôm đón khách trong khu vực nhà ga, bảo đảm an toàn chạy tàu và cảnh quan tại khu vực đón, trả hành khách.
Lãnh đạo Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng (Phòng Cảnh sát đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh) cho biết: Những năm trước, đoạn đường sắt chạy song song với quốc lộ 5 thường xuyên xảy ra tai nạn. Nghiêm trọng nhất là các vụ việc liên quan giữa ô-tô với tàu hỏa, gây ách tắc giao thông cả đường sắt và đường bộ. Đặc biệt là đoạn đường ngang từ quốc lộ 5, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) đi vào huyện Thanh Hà (đoạn km 61+500 quốc lộ 5), có thời điểm 3 ngày xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 người chết và hư hỏng nhiều phương tiện, khiến quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tê liệt trong nhiều giờ. Sau khi có kiến nghị của lực lượng cảnh sát giao thông và các ngành chức năng, cuối năm 2010, đoạn giao cắt này đã được xây dựng gác chắn, có người cảnh báo. Từ đó đến nay, vị trí này không xảy ra một vụ va chạm và tai nạn giao thông nào.
Số liệu của Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt tỉnh cho thấy, năm 2010, tai nạn đường sắt đã giảm so với năm trước đó, chỉ xảy ra 21 vụ va chạm giữa tàu hỏa với người và các phương tiện giao thông, làm 8 người chết, 12 người bị thương và gây hư hỏng 4 ô-tô. Từ đầu năm đến nay, trên 46,3km đường sắt qua địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn, làm 5 người chết, 1 người bị thương.
Vụ va chạm giữa tàu hỏa và chiếc ô-tô này xảy ra ngày 15-7, tuy không có thiệt hại
về người nhưng làm tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tê liệt hơn 2 giờ
Qua thống kê, nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra do nạn nhân thiếu chú ý khi băng qua đường sắt. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 9-5, đoạn qua thôn Cổ Phục, xã Kim Lương (Kim Thành), làm bà Nguyễn Thị Hỷ (sinh năm 1950, ở xã Kim Tân, Kim Thành) chết tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn, bà Hỷ đang đi xe đạp qua đường sắt nhưng không quan sát nên đã bị tàu HP1 đi hướng Hà Nội - Hải Phòng va phải. Một số vụ tai nạn khác dù không gây thiệt hại về người song đã làm tuyến đường sắt tê liệt nhiều giờ liền. Gần đây nhất là vụ va chạm xảy ra ngày 15-7, tại giao cắt đường 190B và đường sắt, đoạn xã Hồng Lạc (Thanh Hà) giữa tàu hỏa D9E-249 đang đi hướng Hải Phòng - Hà Nội và ô-tô 34L - 9661 khi chiếc ô-tô trên đang cố vượt đường sắt. Tàu hỏa đã kéo ô-tô khoảng 100m, làm chiếc xe này bị hư hỏng nặng, rất may không có thiệt hại về người. Sau hơn 2 giờ khắc phục sự cố, đường sắt mới được thông tuyến, làm chậm 3 chuyến tàu.
Theo thống kê, toàn tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh hiện có tới 207 đường ngang. Trong đó, chỉ có 11 đường ngang có gác chắn, 3 điểm có hệ thống đèn cảnh báo tự động, 19 đường ngang khác được phép mở hoặc có biển báo cố định. Riêng huyện Kim Thành đã có tới 174 đường ngang các loại. Rất nhiều đường ngang dân sinh do người dân mở không phép, là những điểm rất phức tạp về an toàn giao thông.
Để bảo đảm an toàn cho 16 chuyến tàu mỗi ngày qua địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm. Ngành đường sắt và các địa phương cần tiếp tục khảo sát, báo cáo và đề xuất xây dựng thêm gác chắn tại các đường ngang dân sinh. Đặc biệt, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về an toàn đường sắt để tự bảo vệ tính mạng bản thân cũng như trật tự an toàn giao thông đường sắt.
CẨM GIANG