Sống lại những chiếu chèo ở Nam Sách

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 10:35, 17/09/2011

Phong trào hát chèo ở Nam Sách đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, ánh đèn sân khấu lại được thắp sáng như để tìm về với thời "hoàng kim" vốn có.



Tuy không đoạt giải cao song vở diễn với đề tài nông nghiệp, nông thôn “Đóng cửa bảo nhau”
của xã Quốc Tuấn đã nhận được sự khen ngợi của đông đảo người xem


Nam Sách, miền quê nổi tiếng một thời của chiếng chèo xứ Đông. Qua thời gian, cũng như các địa phương khác, nghệ thuật hát chèo ở đây đã dần mai một, thay vào đó là các loại nhạc mới và đội ngũ hát chèo cũng ngày càng “già hóa”. Tuy nhiên, gần đây, nhiều sân khấu chèo đã được mở ra và thu hút đông đảo người dân, từ già, trẻ, trai, gái tham gia. Phong trào hát chèo ở Nam Sách đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, ánh đèn sân khấu khắp các xóm làng lại được thắp sáng như để tìm về với thời "hoàng kim" vốn có.

Hội diễn Sân khấu không chuyên huyện Nam Sách năm 2011 vừa khép lại với nhiều vở diễn để lại dư vị ngọt ngào trong lòng khán giả. Sau hội diễn này, Nam Sách trở thành huyện duy nhất trong toàn tỉnh tổ chức thành công 3 hội diễn liên tiếp theo thể loại hát chèo. Kết thúc giải, ban tổ chức đã trao 19 giải tập thể, 40 giải cá nhân. Đặc biệt, để khuyến khích, động viên phong trào, ban tổ chức còn trao 5 giải nhánh: Giải diễn viên cao tuổi nhất, diễn viên nhỏ tuổi nhất, đạo diễn hay nhất, tác giả có nhiều kịch bản đoạt giải cao và giải dàn nhạc hay nhất. Gần 400 diễn viên, nhạc công không chuyên đã mang đến hội diễn 19 vở chèo với nội dung xoay quanh đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn, khiến người xem luôn cảm thấy gần gũi và dễ hiểu.

Với đề tài về xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, khu dân cư, vở diễn “Đóng cửa bảo nhau” của xã Quốc Tuấn tuy không đoạt giải cao, song đã nhận được nhiều tràng pháo tay từ khán giả. Vở diễn xoay quanh chuyện bà vợ chua ngoa, đầu óc hủ lậu mong muốn đám cưới con trai phải tổ chức sao cho “hoành tráng” để mở mày, mở mặt với xóm giềng và thu lại tiền mừng. Trong khi đó, ông chồng với tư tưởng tiến bộ nhất quyết không đồng ý, khuyên vợ chỉ nên tổ chức nhỏ gọn, đúng với tiêu chí đám cưới tiết kiệm. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, đôi vợ chồng già có ý định chia tay, khiến cô con dâu tương lai (cũng là cán bộ cấp xã) giả bỏ đi, vì nếu tổ chức cưới linh đình sẽ rất xấu hổ với xóm, làng. Sau khi được chính quyền, làng xóm khuyên nhủ bà vợ mới ngộ ra, đồng ý tổ chức cưới cho con theo nếp sống mới.

Cứ thế, các vở chèo diễn ra sinh động nhưng hồn nhiên và chân thực khiến người xem như được chứng kiến mọi sự việc, sự vật đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở gia đình mình, xóm làng mình. Người xem thực sự bị cuốn hút theo câu chuyện, các làn điệu chèo ấm áp và thật khó để phân biệt người nhập vai trên sân khấu kia là bà con mình vừa mới bước chân lên từ ruộng lúa, thửa khoai hay đấy là những diễn viên thực thụ.

Cũng xoay quanh các vấn đề nông nghiệp, nông thôn nhưng vở diễn “Cứu lấy dòng sông” của đội chèo xã Nam Hưng lại khai thác đề tài ô nhiễm môi trường ở góc nhìn rộng hơn, “nóng” hơn. Đó là ô nhiễm các dòng sông do các hoạt động khai thác, chăn nuôi xả thải. Một người đàn ông góa vợ bất chấp dư luận xóm giềng, nhắm mắt vì tư lợi, mở rộng trang trại và xả rác thải, nước thải xuống dòng sông ven làng. Bà Khế - người đàn bà có tiếng là "đáo để" nhưng đại diện cho tiếng nói của dân làng, kiên quyết yêu cầu gia đình người đàn ông nọ chấm dứt việc làm này. Đỉnh điểm là việc nhiều hộ dân phải dùng biện pháp tiêu cực là lấp hệ thống thoát nước, khiến nước thải chảy ngược lại khu vực chăn nuôi. Vở diễn đến hồi cao trào bằng những điệu chèo đối đáp tưởng chừng xảy ra xô xát. Song, nút thắt đã được giải phóng linh hoạt bằng cách chính những người con của người đàn ông nọ xuất hiện và nhận ra hành động hủy hoại môi trường của cha mình. “Cứu lấy dòng sông” đã được trao giải nhất. Không chỉ mang tính thời sự nóng bỏng, nội dung vở diễn đã đề cập đến gốc rễ của những phát sinh mâu thuẫn do sự phát triển kinh tế mất kiểm soát ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Vượt qua mọi hiềm khích, quan hệ xóm giềng, tình làng nghĩa xóm - một truyền thống vốn rất đỗi tốt đẹp của người dân nông thôn đã được đề cao.

Theo ông Nguyễn Quốc Liêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Nam Sách, để có những vở diễn thành công, niềm đam mê hát chèo của người dân đã vượt lên khó khăn. Một vở chèo diễn ra từ 30 - 35 phút nhưng là cả một kỳ công của hàng chục người trong cả tháng trời. Khắc phục mọi khó khăn ấy, nhiều xã, thị trấn trong huyện vẫn duy trì hoạt động các đội chèo mặc dù chưa thường xuyên, song chính điều này đã và đang làm sức sống của nghệ thuật hát chèo ở Nam Sách luôn tồn tại và phát triển. Hiện nay, nhiều xã đã có đội nhạc công riêng phục vụ hát chèo cho bà con như: Nam Hưng, Hợp Tiến, An Bình, Phú Điền, Nam Tân.

Nghệ sĩ Xuân Ba ở Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh đã nói rằng, rất nhiều người có chuyên môn đều bất ngờ về phong trào hát chèo ở Nam Sách hiện nay. Các vở chèo luôn được chú trọng dàn dựng công phu, với nội dung hay, cần thiết và thời sự. Với sự nhiệt tình, đam mê, lối diễn dung dị, ngọt ngào, các diễn viên không chuyên đã mang đến cho mọi người nhiều trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở: "Để nghệ thuật hát chèo ở Nam Sách phát triển có chiều sâu, cần lắm những bàn tay dàn dựng tâm huyết với nghề. Đặc biệt, cần có sự động viên, khuyến khích kịp thời để diễn viên chèo ngày càng trẻ hóa. Có thế, Nam Sách mới vực dậy và phát triển được lối hát chèo vốn đã rất phát triển ở mảnh đất này".

TIẾN HUY