Những tác nhân đẩy giá cầu thủ nội
Trong nước - Ngày đăng : 07:51, 18/09/2011
Tính từ cột mốc Minh Phương chuyển từ Cảng Sài Gòn tới Đồng Tâm Long An (với giá 400 triệu đồng) năm 2003, tới nay giá của cầu thủ nội tăng với tốc độ chóng mặt. Năm 2002, Minh Phương được HLV Calisto tin dùng, tỏa sáng ở Tiger Cup. Sau chiếc HCĐ Tiger Cup 2002, anh được xem là ngôi sao trẻ hàng đầu Việt Nam. Một năm sau, cầu thủ này chuyển đến Đồng Tâm Long An với giá chuyển nhượng được coi là mốc khởi đầu cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội.
Theo thời gian, mốc giá ban đầu này đã liên tục được phá vỡ. Kỷ lục mới nhất của "chợ" cầu thủ được xác lập với trường hợp của Phước Tứ - người được xem là một trong những trung vệ hay nhất Việt Nam chuyển từ Thanh Hóa đến Sài Gòn Xuân Thành với giá 12 tỷ đồng sau khi kết thúc V-League 2010. Lấy Minh Phương và Phước Tứ làm phép so sánh, sau tám năm, kỷ lục chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam tăng 30 lần.
Cựu HLV Trần Văn Phúc |
Dưới con mắt của HLV kỳ cựu Trần Văn Phúc, giá cầu thủ nội tăng phi mã là có lý do. “Vì sao giá cầu thủ tăng chóng mặt và chưa biết đâu là giá trần? V-League từ khi khai sinh đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá. Trong tư duy của các nhà kinh doanh, đầu tư phải có kết quả. Muốn có thành tích tốt, phải tìm cầu thủ tốt. Nhưng cầu thủ tốt lại không có nhiều. Vì sao cầu thủ nội tốt lại khan hiếm? Trả lời câu hỏi này, hãy nhìn vào hệ thống đào tạo của các CLB. Thử hỏi, ở V-League có bao nhiêu đội có được hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ hoàn chỉnh? Sông Lam Nghệ An, Nam Định, Đồng Tháp, Đà Nẵng là những cái “lò” đào tạo trẻ tốt. Vài năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội T&T đã bắt tay đào tạo cầu thủ có hệ thống.Có những đội bóng khi thành lập phải đi mua toàn bộ cầu thủ. Hà Nội T&T, Navibank Sài Gòn, Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành là những ví dụ. Vài trường hợp khác như Hải Phòng cũng có các lứa U trẻ nhưng đào tạo không đến nơi đến chốn, không cho được sản phẩm tốt. Cung không đủ cầu, đó là nguyên nhân lớn nhất”.
Ý kiến của ông Phúc được giới chuyên môn đánh giá là rất sát với thực trạng của bóng đá Việt Nam. 14 CLB dự V-League 2011 đều là các đội bóng chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, không phải CLB nào, doanh nghiệp nào cũng xác định đầu tư bóng đá lâu dài kiểu như Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2008, Xi măng Hải Phòng từng khuấy đảo V-League bằng những bản hợp đồng tiền tỷ. Nhưng đến V-League 2011, doanh nghiệp này không còn sát cánh cùng bóng đá đất Cảng khiến các cầu thủ của đội này bị hụt hẫng vì đã quá quen với mức lương cao và những khoản thưởng khổng lồ. Hòa Phát Hà Nội từng góp mặt ở giải hạng Nhất từ năm 2004 nhưng mới đây đã bỏ hẳn bóng đá. Trước Hòa Phát, đã từng có Viettel, Ngân hàng Đông Á, Thép Miền Nam, Tôn Hoa Sen… biến mất khỏi V-League và giải hạng Nhất chỉ sau một thời gian ngắn.
Ngay cả khi khan hiếm cầu thủ nội giỏi, mức giá 12 tỷ đồng của một cầu thủ như Phước Tứ cũng không phản ánh đúng giá trị thực. Từ Ninh Bình “bầu” Trường lý giải về việc giá cầu thủ liên tục bị đẩy lên: “Các cầu thủ đòi bạc tỷ, thử hỏi khi ký hợp đồng xong, họ thực nhận được bao nhiêu tiền? Ở đây tôi muốn nói đến vai trò của những nhà môi giới. Ở Việt Nam giới “cò” chui đang làm loạn. Họ đẩy giá trị cầu thủ lên quá cao buộc các CLB phải chạy theo vì hầu như đội nào cũng có nhu cầu thực sự. Ninh Bình từng là nạn nhân của những trò này. Tin dùng anh Trần Tiến Đại (người được xem là tay “cò” quyền lực nhất Việt Nam), Ninh Bình đã có lúc trở thành cái chợ. Những người như anh Đại đang phá nát bóng đá Việt Nam”.
'Bầu' Trường (trái) và 'cò' Trần Tiến Đại thời còn bên nhau |
“Thị trường chuyển nhượng bị thả nổi, VFF – cơ quan quản lý, điều hành cao nhất của bóng đá Việt Nam gần như không quan tâm đến điều này. Có quá nhiều những trò đi đêm được giật dây bởi các tay “cò” khiến các CLB phải khổ sở. Hoàng Anh Gia Lai không bao giờ chạy theo những giá trị ảo như thế ”, ông Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai) chia sẻ với người đồng cấp ở CLB Ninh Bình.
“Giá cầu thủ bị đẩy lên cao tới mức “ảo”. Tôi nói thật, những cái giá đó là giá ảo, không đúng với giá trị thật.Người ta nói tôi keo kiệt nhưng tôi không vứt tiền qua cửa sổ cho cách mua cầu thủ với giá… trên trời kiểu này”. “Bầu” Kiên của Hà Nội ACB nhận xét.
HLV Trần Văn Phúc cho rằng, chỉ khi nào các CLB làm bóng đá một cách bài bản, VFF có những chế tài, quy định về việc chuyển nhượng, quản lý cầu thủ và bản thân các cầu thủ chuyên nghiệp, tình trạng giá ảo của cầu thủ nội mới chấm dứt. “Nhưng không dễ để thay đổi cả một hệ thống vốn còn quá nghiệp dư”, ông Phúc kết luận.
Khoa Nguyễn (VnE)