Sử dụng giấy tờ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Phản hồi - Ngày đăng : 06:28, 20/09/2011
Hỏi: Con tôi cần tiền để làm ăn nên đã sử dụng giấy tờ nhà đất giả đem thế chấp vay 400 triệu đồng của một người quen. Sự việc vỡ lở, người cho vay tiền đã gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo. Cháu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không, nếu có thì là những tội danh nào?
Nguyễn Thị Bích (Tứ Kỳ)
Trả lời: Thứ nhất, con bà đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả để vay tiền của người quen. Hành vi này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điều 267 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, con bà đã sử dụng giấy tờ nhà đất giả (dù có thể không làm giả) vào mục đích lừa dối người quen để thế chấp và vay tiền của người này.
Hành vi này có thể bị xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: "Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm". Người phạm tội nếu có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tù từ 2-5 năm. Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt từ 4-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (điều 267).
Thứ hai, nếu con bà sử dụng giấy tờ giả này để vay tiền người quen và ngay từ đầu đã có ý định không trả tiền cho người này (nhằm chiếm đoạt tài sản) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự.