Thách thức đối với hoạt động truyền thông dân số - KHHGĐ
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:52, 20/09/2011
Dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính nhưng công tác dân số - KHHGĐ vẫn đứng trước nhiều khó khăn.
Truyền thông lưu động về công tác dân số
Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ, 7 tháng đầu năm nay, tỉnh ta có hơn 14 nghìn trẻ sinh ra, tăng hơn 1.300 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tỷ lệ sinh con thứ 3 là 8,6%, không đạt được chỉ tiêu phấn đấu (8,5%). Tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao 122 trẻ em trai/100 trẻ em gái (cả nước là 111,7/100). Dù tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh hay các chỉ tiêu về KHHGĐ nhưng công tác dân số - KHHGĐ vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nâng cao chất lượng truyền thông dân số cần được giải quyết trước mắt và lâu dài.
Hiện nay, đội ngũ làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở mới được kiện toàn, có trình độ chuyên môn nhưng kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế. Tuyến xã có 265 cán bộ chuyên trách dân số, trong đó khoảng 70% mới được tuyển dụng, thiếu kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều cán bộ dân số xã còn hạn chế trong việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền về xây dựng, triển khai các hoạt động truyền thông dân số. Bên cạnh đó, 2.965 cộng tác viên (CTV) dân số phủ khắp các thôn, khu dân cư cũng luôn có sự biến động do thù lao còn quá thấp (70 nghìn đồng/người/tháng). Đồng chí Hồ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ thị xã Chí Linh cho biết: Thị xã có 20 cán bộ dân số thì có tới 14 người mới được tuyển dụng, đều đạt trình độ theo quy định (tốt nghiệp trung cấp y tế) nhưng còn ít kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động truyền thông. Bên cạnh đó, đội ngũ CTV dân số có độ tuổi chênh lệch nhiều, 50% số người nằm trong độ tuổi 50 trở lên, có kỹ năng truyền thông nhưng chủ yếu truyền thông từ kinh nghiệm của bản thân, trình độ chuyên môn còn hạn chế, dẫn tới nội dung, hình thức tuyên truyền chậm đổi mới. Thị xã có 13 trong tổng số 20 xã, phường thuộc khu vực miền núi. Địa bàn rộng, các hộ dân sinh sống rải rác cũng gây nhiều khó khăn cho đội ngũ cán bộ và CTV dân số. Có CTV phải phụ trách từ 400 - 500 hộ dân, gần gấp đôi so với quy định. Không những vậy, có 30- 40% số CTV, chủ yếu ở các phường do mức thù lao thấp nên không mặn mà với công việc. Bên cạnh đó, trang thiết bị truyền thông ở nhiều xã bị hỏng, không sử dụng được, khiến cho đội ngũ cán bộ dân số mỗi lần tổ chức truyền thông phải mượn của UBND xã. Các thiết bị truyền thông được đầu tư từ năm 2006 tại 13 xã đã hỏng hoàn toàn, không sử dụng được. Hiện nay, chỉ có cấp xã được trang bị các thiết bị truyền thông như âm ly, loa đài, đầu kỹ thuật số, còn Trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện chưa có những thiết bị này nên mỗi lần huyện tổ chức truyền thông thường phải đi mượn hoặc thuê.
Hiện nay, đối tượng cần truyền thông ở cơ sở khá phức tạp, khiến cho công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn. Theo đồng chí Lưu Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cẩm Giàng, đối tượng cần truyền thông của huyện chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp. Số người từ các tỉnh khác như Nghệ An, Bắc Giang, Tuyên Quang... đến làm việc nhiều lại luôn luôn biến động nên việc tiếp cận truyền thông gặp nhiều khó khăn. Hầu như cán bộ dân số xã chỉ có thể tiếp cận phát tờ rơi tuyên truyền. Thời gian tuyên truyền trực tiếp ở trong doanh nghiệp cũng hạn hẹp, chỉ từ 30- 40 phút. Mỗi năm, việc truyền thông này chỉ thực hiện 1 lần ở khoảng 50% số doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Địa phương vẫn duy trì truyền thông nhóm vào ngày nghỉ hay các buổi tối nhưng không mang lại hiệu quả cao do thời gian của đối tượng cần truyền thông quá hạn hẹp, nhiều người đi làm mệt mỏi, không nhiệt tình tham gia. Chế tài xử phạt về sinh con thứ 3 hiện được nới lỏng cũng là một thách thức đối với công tác truyền thông dân số - KHHGĐ. Ngoài ra, các hình thức siêu âm, lựa chọn giới tính thai nhi diễn ra khá phổ biến...
Dự án “Truyền thông chuyển đổi hành vi” là 1 trong 4 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ được tỉnh ta triển khai từ nhiều năm nay. Theo đồng chí Nguyễn Văn Sai, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, các hoạt động truyền thông được duy trì thường xuyên trên các kênh truyền thông và hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Ngoài ra, hoạt động truyền thông được tăng cường mạnh mẽ trong 2 đợt của Chiến dịch truyền thông vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Đặc biệt, trong năm 2011, chi cục đã chuyển kinh phí về 12 huyện, thị xã, thành phố để tổ chức truyền thông trọng điểm đối với các đối tượng khó tiếp cận tại các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Để dự án này nói riêng và hoạt động truyền thông dân số nói chung thực sự mang lại hiệu quả cao thì cần có sự quan tâm và dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho các hoạt động này.
MINH HẠNH