Tìm lại nghề khắc in mộc bản Liễu Tràng, Thanh Liễu xưa
Di tích - Ngày đăng : 14:34, 22/09/2011
Nghề khắc in mộc bản từng một thời thịnh vượng nay đã suy vi. Nhưng những đóng góp to lớn của người thợ nơi đây thì lịch sử mãi còn ghi nhận...
Liễu Tràng và Thanh Liễu là hai thôn thuộc xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Nhiều thế kỷ trước, nơi đây từng nổi tiếng với nghề khắc, in mộc bản. Nhờ nghề cổ truyền này mà đã có nhiều người ở hai làng Liễu được nhà nước phong kiến phong tước cửu phẩm
Bức tranh “Vấn danh” và “Bán chổi rễ” được phóng tác từ những tranh khắc gỗ do thợ Liễu Tràng, Thanh Liễu làm đầu thế kỷ XX theo đặt hàng của một người Pháp đang được lưu giữ trong đình Liễu Tràng |
Phong quan nhờ nghề
Làng Liễu Tràng hôm nay không còn chút dấu tích nào của một trung tâm khắc in mộc bản sầm uất xưa. Tiếp xúc với các bậc cao niên mới thấy những câu chuyện về nghề tổ còn in đậm. Ông Phạm Mai Hương (88 tuổi), người cao tuổi nhất làng Liễu Tràng, cho biết: Năm 1940 trở về trước, nghề in khắc mộc bản tại Liễu Tràng và Thanh Liễu rất phát triển. Hầu như tất cả các gia đình trong làng đều làm nghề. Người Liễu Tràng và Thanh Liễu tới các chùa chiền, nhà xuất bản nhận kinh, sách về làm tại nhà. Vào buổi tối, đi từ đầu đến cuối làng, đâu cũng nghe thấy tiếng gõ đục. Ngoài làm tại nhà, người Liễu Tràng và Thanh Liễu còn tỏa đi khắp nơi mở cửa hàng. Những hiệu khắc in sách ở phố Hàng Trống, Hàng Gai (Hà Nội) phần lớn là của người Liễu Tràng, Thanh Liễu.
Lấy ra hai tấm mộc bản cất trong hậu cung đình, các bậc cao niên làng Liễu Tràng cho biết: Hiện tại, trong đình làng còn lưu giữ khá nhiều mộc bản do những thợ xưa khắc để lại. Cũng trong đình còn lưu giữ một số bức tranh được phóng tác từ những tranh khắc gỗ do ông Nguyễn Danh Đãng, người Thanh Liễu, làm đầu thế kỷ XX theo đặt hàng của một người Pháp. Hiện bản khắc của bộ Hải thượng Y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác đang lưu tại chùa Đại Tráng (Bắc Ninh) và hàng trăm bản in kinh Phật tại chùa An Bình (Nam Sách) đều do người Liễu Tràng, Thanh Liễu làm. Bộ mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam năm 2009 cũng có sự góp công không nhỏ của người thợ khắc mộc bản hai làng Liễu.
Nói về nghề tổ, ông Nguyễn Văn Sinh, một thợ khắc mộc bản cho biết: Muốn làm nghề khắc ván in phải học việc trung bình ba năm. Người thợ khắc ván in phải thuộc chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược, vì bản khắc chữ ngược khi in mới được chữ xuôi. Nghề khắc ván in phần lớn được kế thừa theo gia truyền, dòng họ. Để khắc được kinh sách phải là thợ giỏi. Cuối thời Nguyễn, ở hai làng Liễu Tràng, Thanh Liễu có hàng trăm thợ khắc nhưng chỉ khoảng 20 người đủ trình độ khắc kinh sách. Những thợ giỏi này sau khi hoàn thành một công trình in ấn được nhà nước phong kiến hậu đãi và phong hàm cửu phẩm. Một người chú ruột của ông Sinh tên là Nguyễn Văn Thúy cũng được triều Nguyễn phong hàm cửu phẩm.
Ông Sinh năm nay 81 tuổi, theo học nghề từ một người họ hàng trong làng từ năm 13 tuổi. Vừa làm mẫu các động tác khắc trên hai tấm mộc bản cho tôi xem, ông Sinh cho biết: Công cụ của người thợ khắc gồm có một cưa con để cắt gỗ, chục cái đục để bạt những phần gỗ thừa, một dao gọt gỗ bằng thép tốt dài chừng 30 cm và dao khắc lưỡi bằng (loại dao hình giống cái đục nhưng lưỡi không phẳng như lưỡi đục mà hình trăng khuyết). Gỗ khắc ván in thường là gỗ thị. Gỗ sau khi được xẻ thành từng tấm nhỏ, thợ khắc sẽ bào phẳng, cắt đúng kích thước rồi khắc. Bản khắc dày trung bình 1,5cm, thường khắc hai mặt để tiết kiệm gỗ. Mỗi bản khắc gồm hai trang sách, in trên một tờ giấy. Khi đã có bản khắc sẽ dùng giấy bản in. Phụ trách khâu in thường là phụ nữ. Dùng chổi rơm quét mực lên bản in, đặt giấy ngay ngắn trên bản in, lấy bàn xoa nhẹ một lượt rồi lột tờ giấy lên, thế là được một tờ. Những tờ giấy in sau khi khô mực được đóng thành từng quyển. Tuy nhiên theo ông Sinh, đến nay, nghề khắc mộc bản đã không còn "đất" phát triển. “Sau ngày hoà bình lập lại, hầu hết thợ khắc mộc bản Liễu Tràng, Thanh Liễu chuyển sang nghề khắc dấu”, ông Sinh cho biết.
Những truyền nhân còn lại
Anh Nguyễn Huy Khì là người duy nhất còn khắc mộc bản bằng chữ Nho
Qua mấy ngày tìm hiểu, cuối cùng tôi cũng tìm được một người còn duy trì nghề khắc mộc bản. Điều thú vị đây không phải là một vị cao niên mà là một người còn khá trẻ. Đó là anh Nguyễn Huy Khì, 39 tuổi, người làng Thanh Liễu. Anh Khì mở cửa hàng nhận khắc mộc bản, bia đá tại đường Yết Kiêu (TP Hải Dương) từ năm 1997. Lúc tôi đến, anh đang dùng dao tạo tác một tấm bia đá chữ Nho ghi gia phả của một dòng họ. Anh Khì cho biết: Từ nhỏ, tôi cùng 3 người anh trai học nghề này từ cha đẻ. Năm 17 tuổi thì thành thạo nghề, khắc được chữ Nho. Từ khi cha tôi mất, gia đình chỉ còn tôi giữ nghề”. Nghề khắc đá hiện nay được anh Khì áp dụng hoàn toàn bằng kỹ thuật khắc mộc bản xưa. Ngoài khắc đá, anh vẫn nhận khắc mộc bản: sách kinh, dấu tam bảo, bao sớ... cho các chùa. Lục trong các phôi gỗ, anh lấy cho tôi xem mấy tấm mộc bản chữ Nho đã được khắc xong. Nhìn những chữ Nho khắc nổi, đều tăm tắp mới thấy tài năng, sự khéo léo của người làm nghề. Công việc của anh hiện tại chủ yếu là khắc bia đá. Khắc đá dễ hơn nhiều so với khắc mộc bản bởi chữ trên đá viết xuôi, kích cỡ lớn, ngược lại, mộc bản là những bản in, kích cỡ chữ nhỏ, chữ lại ngược nên đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo vô cùng. “Mặc dù làm đá nhưng nhiều lúc thấy nhớ nghề cũ lắm”, anh Khì tâm sự.
Nghề khắc in mộc bản cũng như nhiều nghề cổ truyền khác từng một thời thịnh vượng nay đã suy vi. Nhưng những đóng góp to lớn của những người thợ Liễu Tràng và Thanh Liễu với sự nghiệp văn hóa của dân tộc thì lịch sử mãi còn ghi nhận.
Theo sách Nghề cổ truyền tỉnh Hải Hưng thì nghề khắc, in mộc bản được Lương Như Hộc, người làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP Hải Dương) đậu Thám hoa kỳ thi khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông học được qua hai lần đi sứ sang Trung Quốc về truyền bá cho nhân dân hai làng Liễu Tràng, Thanh Liễu. Từ đó, nghề khắc và nghề in sách ở đây trở nên nổi tiếng, đảm đương việc khắc in những bộ sách đồ sộ của đất nước. Năm Chính Hoà 18 (1697), thợ Liễu Tràng, Thanh Liễu vâng lệnh triều đình khắc in bộ Đại Việt sử ký toàn thư - bộ lịch sử quan trọng bậc nhất của dân tộc. |
NGỌC HÙNG