Suy ngẫm qua hai bức thư Bác Hồ gửi giáo viên, học sinh nhân ngày khai trường

Tin tức - Ngày đăng : 05:32, 24/09/2011

Ở hai thời điểm khác nhau, mỗi bức thư cũng được Bác viết với một cảm xúc mới, ý nghĩa mới.



Chủ tịch Hồ Chí Minh với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1965. Ảnh tư liệu

Hai bức thư Bác Hồ gửi cho giáo viên và học sinh nhân bắt đầu năm học mới được viết vào hai thời điểm khác nhau của lịch sử: Bức thứ nhất (tháng 9 - 1945) nhân"ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà"; bức thứ hai, đề ngày 16 - 10 - 1968: "Nhân dịp đầu năm học thứ tư chống Mỹ, cứu nước" - Như lời mở đầu bức thư Bác Hồ ghi rõ. Ở hai thời điểm khác nhau, mỗi bức thư cũng được Bác viết với một cảm xúc mới, ý nghĩa mới.

Bức thư thứ nhất Bác viết gửi riêng cho học sinh, trong khung cảnh vô cùng đặc biệt: nhân dân ta vừa làm cuộc cách mạng long trời lở đất, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đất nước độc lập, nhân dân được giải phóng, niềm vui sướng còn tràn ngập núi sông, thì hàng vạn con em cả nước  lại náo nức bước vào năm học mới - năm học đầu tiên của đất nước độc lập, tự do. Niềm vui sướng được nhân lên, khôn xiết! Trong không khí ấy, lòng Bác Hồ cũng bồi hồi, xúc động khi ngồi viết bức thư đầu tiên gửi các em học sinh trong ngày tựu trường. Ngay từ những dòng đầu bức thư, chúng ta đã cảm nhận được tấm lòng của Bác Hồ trong từng câu chữ. Bác ngồi viết thư mà như thấy: "Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thẩy đều vui vẻ vì sau mấy tháng trời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn". Thế cũng là vui sướng lắm rồi; nhưng còn vui sướng hơn bởi từ nay các em được hưởng thụ một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Đó là điều cha mẹ các em, và cả các em nữa, mới năm học trước thôi có mơ cũng không thấy. Đấy là sự khác biệt, sự may mắn, niềm tự hào  mà mỗi học sinh hôm nay cắp sách đến trường cần phải nhớ: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".

Thật vui sướng khi được thừa hưởng một nền giáo dục tốt đẹp  như thế. Nhưng càng vui sướng bao nhiêu, các em càng cần hiểu sâu sắc bấy nhiêu về: "Sự hy sinh của biết bao đồng bào các em. Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà". Quả là những lời khuyên nhủ ân tình, mà hôm nay đọc lại những dòng này vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự của nó. Để đền bù lại công lao to lớn của cha anh, với tình cảm nồng hậu của một người anh lớn, Bác Hồ ân cần khuyên: "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang". Bác hoà mình với mọi người để truyền sang mỗi người tình cảm nồng hậu, nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm lớn lao trước vận mệnh non sông, đất nước: "Ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Những lời khuyên ân cần của Bác Hồ với các học sinh ngày khai trường đầu tiên (1945), mà giữa những ngày đất nước đang trên đà đổi mới, hội nhập, giáo dục trở thành quốc sách và nhân tài trở thành vốn quý, đọc lại những dòng này càng thấy tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ. Ngày nay, không ít học sinh ngồi ghế nhà trường còn chưa hiểu hết ý nghĩa tháng năm mình đang sống, mơ hồ về tiền đồ và ngay cả việc học để làm gì không phải học sinh nào cũng có quan niệm đúng. Vì thế, đọc và nghiên cứu sâu sắc những bức thư của Bác Hồ gửi thanh niên, học sinh là một công việc có ý nghĩa thiết thực trong quá trình học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.



Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương) tưng bừng khai giảng năm học mới
Ảnh: TC

Nếu như ở bức thư nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác Hồ chỉ dành cho các em học sinh, như lời mở đầu thư Bác viết, thì thư gửi nhân dịp mở đầu năm học mới 1968-1969, Bác lại gửi cho tất cả cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên, với lời đầu thư: "Các cô, các chú và các cháu thân mến". Mở đầu bức thư, Bác Hồ chỉ rõ đặc điểm mấy năm học vừa qua đuợc tiến hành trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, nhưng: "Sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết". Sau khi điểm qua vài nét về sự phát triển của các cấp học, Bác biểu dương: "Các trường học đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ". Đạt được thành tích đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, lòng dũng cảm của nhân dân, quân đội ta, và cũng do các thầy giáo, học sinh các trường học đã đoàn kết vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Trước mắt, cách mạng nước ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Vì thế, ngành giáo dục nói chung, các trường học nói riêng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành được nhiệm vụ lớn hơn trước. Được vậy, Bác Hồ khuyên: "Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng". Đấy chính là mục tiêu giáo dục hàng đầu của nhà trường chúng ta, bởi nhà trường của ta lấy rèn luyện con người,"trồng người" làm tiêu chí số một. Nhà trường trước hết phải đào tạo ra những con người có lòng yêu quê hương, đất nước, tình thương yêu con người, cộng đồng, trung thành với Tổ quốc, nhân dân, có niềm tin vào tiền đồ tương lai tươi sáng của dân tộc... Có như thế, nhà trường mới xứng đáng là nơi ươm trồng những công dân, những tài năng cho đất nước, chứ không thể chỉ biết nhồi nhét kiến thức văn hoá, đem kiến thức phục vụ lợi ích cá nhân, học không đi đôi với hành, xa rời nhân dân, xa rời thực tế đất nước.

Suy cho cùng, lời khuyên của Bác Hồ cũng là điều Bác mong mỏi ở nhà trường của chúng ta trước tiên phải đào tạo ra những con người có phẩm chất đạo đức, có nhân cách, có ý thức trách nhiệm công dân. Chỉ trên cơ sở đó mới nói tới vấn đề giáo dục văn hoá, kiến thức chuyên môn, có "hồng" mới có "chuyên". Bác Hồ chỉ rõ nhiệm vụ cho nhà trường: "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, đạt những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật". Văn hoá và chuyên môn chỉ có thể được nâng cao trên cái nền tư tưởng, đạo đức tốt. Không thể có những người chỉ biết cắm đầu vào học, thậm chí không biết học để đem kiến thức ấy làm lợi cho ai, hay chỉ để khỏi làm lụng vất vả mà vẫn có lương đều đều. Nhà trường của chúng ta, xã hội của chúng ta không chấp nhận những người như thế. Tiếc thay, ngày nay vẫn thấy xuất hiện ở nơi này nơi kia những tiêu cực trong thi cử, bằng cấp, tuyển dụng lao động, công chức mang dấu ấn của một lối giáo dục nặng về kiến thức sách vở mà sao nhãng giáo dục lý tưởng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách cho  thanh niên, học sinh, sinh viên.

Khác với bức thư trước (1945), Bác Hồ chỉ khuyên các em học sinh, trong bức thư thứ hai này, Người không những nhấn mạnh đến nhiệm vụ của giáo dục,  của nhà trường, mà còn ân cần căn dặn các thầy giáo, cô giáo, cán bộ giáo dục và học sinh, sinh viên xây dựng quan hệ thật tốt với nhau vì nhiệm vụ chung. Đồng thời, Bác còn giao nhiệm vụ cho toàn xã hội phải chăm lo hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, chăm sóc nhà trường về mọi mặt, vì mục đích cao cả của nền giáo dục nước nhà là nhằm: "Đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta".

Hai bức thư của Bác Hồ gửi cho giáo viên, học sinh nhân ngày khai trường ở hai thời điểm  lịch sử khác nhau, nhưng đều nhất quán tư tưởng của Bác về giáo dục - đào tạo mà nét chủ đạo là giáo dục và rèn luyện những chủ nhân tương lai cho đất nước vừa hồng, vừa chuyên, góp phần đưa nước nhà sánh vai cùng các nước trên thế giới.

CAO NĂM