Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Tin tức - Ngày đăng : 13:59, 24/09/2011

Khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác...



Học sinh Trường THPT Gia Lộc II đi dàn hàng ngang trên quốc lộ 37


Văn hóa giao thông là sự hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác; ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông, chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm pháp luật giao thông.


Không khó để chứng kiến những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Nhiều trường hợp người tham gia giao thông vi phạm pháp luật nhưng thiếu tôn trọng lực lượng chức năng, bất hợp tác khi xử lý sự việc, thậm chí cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ. Ngày 22-7 vừa qua, khi phát hiện Đồng Văn Quyết và Đồng Văn Lợi đều ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, Thiếu úy Nguyễn Thanh Nam (Công an huyện Tứ Kỳ) đã ra tín hiệu dừng xe để xử lý vi phạm. Đáng lẽ, hai người này cần chấp hành lệnh dừng xe để giải quyết vi phạm. Tuy nhiên, Đồng Văn Quyết đã cho xe tăng tốc đâm thẳng vào người Thiếu úy Nam khiến anh bị gãy chân. Hiện nay, nhiều trường hợp người điều khiển xe ô - tô, xe gắn máy khi gây tai nạn thường bỏ trốn, không cấp cứu nạn nhân, xử lý sự việc. Sự thiếu trách nhiệm đã khiến không ít nạn nhân tử vong.

Người tham gia giao thông cố tình vi phạm pháp luật giao thông là thể hiện sự thiếu văn hóa. Một ví dụ điển hình là người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng nhiều người chỉ đội mang tính đối phó, chưa trở thành ý thức. Nhiều người đội mũ bảo hiểm nhưng lại không cài quai.

Chúng tôi đã khảo sát nhiều tuyến phố ở TP Hải Dương và thấy rằng văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông rất kém. Đó là tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, đỗ xe ô - tô dưới lòng đường, bóp còi inh ỏi... Mặc dù nhiều người biết đó là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có thể gây nguy hiểm cho chính mình và người khác nhưng họ vẫn phớt lờ. Tại một số điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, nhiều người vẫn cố tình vượt qua rào chắn khi đã có hiệu lệnh dừng xe để chờ tàu hỏa chạy qua. Khi nhân viên ngành đường sắt ngăn lại, họ tỏ thái độ khó chịu. Chỉ tính riêng từ tháng 11 - 2010 đến hết tháng 7 - 2011, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 27.576 trường hợp vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, đường thủy. Trong số 24.721 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì chủ yếu lỗi chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, chở quá số người quy định. Từ tháng 11 - 2010 đến hết tháng 8 năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 114 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 123 người chết và 44 người bị thương.

Sự thiếu văn hóa khi tham gia giao thông có nguyên nhân do thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhưng cũng có nhiều người am hiểu pháp luật về giao thông vẫn hành xử thiếu văn hóa. Đó là sự thiếu ý thức, trách nhiệm, biểu hiện những khiếm khuyết về nhân cách. Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông có nguyên nhân do thiếu văn hóa giao thông.

Những nỗi đau do tai nạn giao thông xảy ra sẽ dịu bớt nếu mỗi người ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Việc xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa phải thực hiện lâu dài, bền bỉ. Năm 2009, thực hiện Tháng an toàn giao thông với chủ đề VHGT, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, qua pa-nô, hình ảnh, tranh vẽ, đưa nội dung VHGT giới thiệu tại một số trường học trong tỉnh. Năm 2010, với chủ đề “VHGT vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”, Công an tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm như trường học, bệnh viện, nhà máy. Thông qua việc xử lý vi phạm pháp luật, lực lượng công an cũng nhắc nhở, tuyên truyền về VHGT cho người vi phạm. Để mọi người có văn hóa khi tham gia giao thông thì việc tuyên truyền cần thực hiện sâu, rộng hơn. Việc tuyên truyền đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, bởi bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cùng với tuyên truyền, cần đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn giao thông cao như: chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường...  Những nét văn hóa đẹp khi tham gia giao thông như: giúp đỡ người bị tai nạn, giải quyết va chạm hợp tình, hợp lý, ưu tiên chỗ ngồi cho phụ nữ có thai, trẻ em, người già, chấp hành đúng pháp luật về giao thông... rất cần được nhân rộng, phổ biến để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc.

MINH ANH