Cho rừng mãi xanh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:44, 27/09/2011

Toàn bộ rừng đã được giao đất, khoán bảo vệ theo quy định, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng để bảo vệ rừng.



Rừng sản xuất trồng bạch đàn, vải ở thôn Vành Liệng, xã Bắc An (Chí Linh)


Hiện nay, toàn tỉnh có 10.630 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 4.718,4 ha rừng phòng hộ,  4.371,3 ha rừng sản xuất,  1.540,3 ha rừng đặc dụng. Trong những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt việc quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Toàn bộ rừng đã được giao đất, khoán bảo vệ cho 3.400 hộ dân và 6 đơn vị theo quy định, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng để bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phân công cán bộ, công chức kiểm lâm phụ trách từng xã, phường có rừng. Lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn đã bám sát cơ sở, nắm vững tình hình rừng và chủ động tham mưu cho chính quyền sở tại để quản lý rừng tốt hơn. Đến nay, các xã, phường, thị trấn có rừng đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung 81 quy ước bảo vệ rừng và tổ chức 29 tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, quản lý các cơ sở khai thác, chế biến lâm sản, đặc sản rừng. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm kiểm tra định kỳ 2 lần đối với các hộ dân nuôi nhốt, nuôi sinh sản các loại động vật hoang dã, đặc biệt là loài thuộc nhóm quý, hiếm. Đến hết năm 2010, Chi cục Kiểm lâm đã cấp "giấy chứng nhận trại nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã” cho 229 hộ có đủ điều kiện theo quy định.

Các cơ quan quản lý rừng đã chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống cháy rừng, kiểm tra trang thiết bị, công trình trước mỗi mùa khô. Sở NN-PTNN phối hợp với UBND thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các trường học và các trọng điểm dễ xảy ra cháy. Mỗi xã, thị trấn đều có lực lượng phòng, chống cháy rừng với sự tham gia của nhiều lực lượng như: chủ rừng, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, kiểm lâm, trung đội dân quân tự vệ địa phương… Mỗi khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, chữa cháy nên diện tích bị thiệt hại không lớn. Việc phát hiện, phòng, trừ sâu, bệnh hại rừng cũng được chú trọng. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng, Chi cục Kiểm lâm dự báo, phát hiện các đối tượng dịch hại từ sớm, tổ chức phòng, trừ hiệu quả.



Theo quy hoạch, diện tích rừng đặc dụng đến năm 2020 dự kiến là 1.536,3 ha, giảm 4 ha so với hiện nay.
Trong ảnh: Rừng đặc dụng ở khu di tích Côn Sơn (Chí Linh)


Các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan đã lập biên bản, xử lý 76 vụ vi phạm quy định về QLBVR và lâm sản, trong đó có 39 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 17 vụ vi phạm các thủ tục hành chính, 8 vụ phá rừng, 5 vụ mua, bán, kinh doanh lâm sản trái quy định, 4 vụ cháy rừng, 2 vụ khai thác rừng trái phép và 1 trường hợp lấn chiếm rừng trái phép.

Tuy nhiên, công tác QLBVR vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần được khắc phục kịp thời. Hiện nay, việc phân định ranh giới các loại rừng trên thực địa chưa cụ thể, chưa có mốc giới. Việc giao đất, giao rừng đã được thực hiện từ năm 1993 nhưng do hồ sơ quản lý rừng không đầy đủ nên có một số diện tích giao bị chồng chéo giữa Ban Quản lý rừng và các xã, phường gây khó khăn cho quản lý, bảo vệ. Một số ban chỉ đạo phòng, chống cháy rừng ở cấp xã và nhiều chủ rừng chưa thực hiện tốt trách nhiệm, khi cháy rừng còn trông chờ, ỷ lại vào lực lượng chức năng. Vẫn còn các hộ dân ở gần rừng khai thác gỗ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác đất để phục vụ mục đích cá nhân, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng.

Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2010-2020, đề ra các nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ rừng. Theo quy hoạch, tổng diện tích rừng đến năm 2020 dự kiến còn 10.141,2 ha, giảm 488,8 ha so với hiện nay. Trong đó, rừng phòng hộ và đặc dụng sẽ cơ bản giữ ổn định như hiện nay, diện tích giảm chủ yếu ở rừng sản xuất. Toàn bộ rừng và đất lâm nghiệp sẽ được quản lý thống nhất theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và thực địa. Nhà nước quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thông qua Ban Quản lý rừng và lực lượng vũ trang.

Để làm tốt việc QLBVR, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản liên quan đến đông đảo nhân dân để nhân dân chấp hành đầy đủ. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng, UBND các xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), Hiệp Hòa (Kinh Môn) đang triển khai thí điểm việc rà soát kết quả giao đất, giao rừng và lập hồ sơ quản lý rừng để xác định rõ diện tích, loại rừng, chủ thể quản lý… Công việc này cần được triển khai khẩn trương, sau đó rút kinh nghiệm để thực hiện ở diện rộng hơn. Cùng với đó, sớm xác định ranh giới các loại rừng và đóng mốc ranh giới theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý rừng. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng và sâu, bệnh hại rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

PV