"Lỗ hổng" từ sự quản lý, giáo dục của gia đình
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 12:21, 30/09/2011
Liên tục các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây do thanh thiếu niên thực hiện, có em đang là học sinh phổ thông. Nguyên nhân, động cơ gây án của các đối tượng làm chúng ta phải rùng mình ghê sợ vì sự ngông cuồng, liều lĩnh, thậm chí hết sức man rợ. Hậu quả để lại cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân hết sức nặng nề, gây tâm lý hoang mang cho xã hội. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội có nguyên nhân căn bản là đang có “lỗ hổng” lớn trong quản lý và giáo dục của các gia đình.
Hầu hết các đối tượng bỏ học sớm, lười lao động, đua đòi, tham gia rất nhanh vào các tệ nạn xã hội. Trong rất nhiều gia đình hiện nay, những ông bố, bà mẹ, anh, chị đã không quản lý được con em mình cả về thời gian lẫn không gian, khi chúng bắt đầu có biểu hiện nhiễm những thói hư tật xấu như hút thuốc, uống rượu, ăn nói tục tĩu, thời gian đi lại bất minh, bỏ nhà đi nhiều ngày… nhưng không có biện pháp ngăn chặn giáo dục. Rất nhiều ông bố, bà mẹ khi biết con mình hư hỏng nhưng lại lúng túng không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để giáo dục hiệu quả ngoài chửi bới, roi vọt, thậm chí bất lực hơn là cho con muốn đi đâu thì đi. Chúng ta dành rất nhiều công sức, chương trình, trang bị những kỹ năng trong cuộc sống nhưng chưa mấy ai quan tâm đến trang bị những kỹ năng quản lý, giáo dục thanh thiếu niên ngay trong từng gia đình cho các ông bố, bà mẹ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng ven đô, vùng phát triển nhanh các khu công nghiệp (những thanh, thiếu niên dễ hư hỏng). Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận rằng, ở một số gia đình các bậc làm cha, làm mẹ, anh, chị sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, buông thả, là những “tấm gương mờ” cho con em mình nhanh hư hỏng.
Không ai làm cha, làm mẹ muốn con em mình phạm tội, phải rơi vào vòng lao lý. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa thanh, thiếu niên phạm tội cần có sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, trước tiên cần nhận thức và phát huy tốt vai trò của gia đình. Các gia đình hãy quan tâm đến con em mình nhiều hơn, có biện pháp quản lý, giáo dục khoa học và hiệu quả hơn.
BÙI VĂN MẠNH(Chí Linh)