Từ một tách cà phê
Tin tức - Ngày đăng : 07:15, 02/10/2011
Ông Nguyễn Thế Văn quê ở Thái Bình, có thời được cử đi xây dựng ở An toàn khu cho Trung ương ở Định Hóa (Thái Nguyên). Vì thấy ông cẩn thận, chu đáo nên cấp trên chuyển ông sang làm người chuyên phụ trách lương thực tiếp tế cho cán bộ. Một lần, trong chuyến đi khảo sát, Bác Hồ có ghé qua Định Hoá thăm hỏi anh em cán bộ. Lúc đó ông Nguyễn Thế Văn được lệnh pha tách cà phê mời Bác.
Xúc động, tay run run pha cà phê mà trong lòng ông chỉ sợ mình pha ẩu, Bác uống không thấy ngon. Nào ngờ, khi ông bưng tách cà phê lên mời Bác, Bác đã ngỏ ý hỏi ông có muốn đi theo Bác không? Còn gì vui hơn thế. Về sau ông mới biết Bác rất tinh tường. Chỉ cần ngửi mùi cà phê, cách pha và dáng điệu bưng của ông, Bác đã biết ông là người cẩn thận, chu đáo và đáng tin cậy. Bắt đầu từ đó, ông là người thân cận duy nhất lo cho Bác từ giấc ngủ đến bữa ăn và theo Bác đi khắp nơi...
Những dịp theo Bác đi khảo sát tình hình thời sự ở Trung Quốc, ông mới thực sự nhận thấy tính hóm hỉnh của Bác. Va li quần áo của Bác chỉ có hai chiếc quần đùi, hai chiếc áo may ô và một bộ trang phục để tiếp khách. Thế nhưng Bác luôn dặn ông phải hết sức cẩn thận cất giữ chiếc va li như báu vật, nếu đi đâu ra khỏi phòng phải cho vào tủ khoá lại. Thấy ông ngạc nhiên, Bác bảo: “Đây là bí mật quốc gia, đừng tiết lộ ra ngoài”. Sau này, ông mới hiểu, Bác không muốn người nước ngoài nhìn thấy sự quá giản dị của một vị lãnh tụ.
Khi về nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc tặng Bác một chiếc quạt điện. Bác không dùng mà bảo ông: “Chú may cho cái quạt này một chiếc áo rồi cất đi, bao giờ dân có Bác mới dùng”. Ông cất đi, thấy vui vì sự hóm hỉnh của Bác.
Trong một lần đi quan sát tại Định Hóa (Thái Nguyên), khi ông đang “ngộp thở” trước tiếng reo hò của bà con trong xã thì thấy Bác chỉ tay lên khẩu hiệu bên trên. Bác nói: “Này chú ơi, cái xã này giỏi lắm nhé, thấy Bác đến liền giăng ngay khẩu hiệu Hồ Chủ tịch muốn nằm”. Ông nhìn theo tay Bác chỉ và chợt bật cười. Thay cho “Hồ Chủ tịch muôn năm” là “Hồ Chủ tịch muốn nằm”. Sau đó, Bác nhắc nhở mọi người phải chịu khó rèn giũa, học câu chữ cho chính xác, tránh những trường hợp sai sót đáng cười.
"Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm"
Thời kỳ ở Pắc Pó, do phải giữ gìn bí mật, Bác Hồ ít tiếp xúc với các cháu thiếu nhi ở bên ngoài mà thường chỉ ra khu nhà đồng chí Dương Đại Lâm.
Nhà đồng chí Đại Lâm rất đông anh em và nhiều cháu bé. Những lần Bác ra chơi, ngoài việc trò chuyện với ông cụ thân sinh đồng chí Đại Lâm, Bác còn chăm sóc các cháu nhỏ, giúp đỡ gia đình đồng chí Đại Lâm.
Do các cháu chơi nghịch đất cát, quần áo lem luốc, bẩn thỉu; mặt khác do đời sống thiếu thốn, khó khăn vì sự bóc lột của bọn thống trị, có cháu đầu bị chốc lở, tanh tưởi mà không có thuốc chữa chạy. Bác Hồ chữa cho các cháu bằng cách đem nước nóng rửa thật sạch chỗ lở chốc, rồi lấy tro bếp nóng, gói lại ấp lên đầu cho cháu. Bác làm việc này với tất cả sự cẩn thận, tận tình nên chỉ trong một thời gian ngắn, lở chốc trên đầu cháu bé bay đi đằng nào. Cháu lại chơi vui. Nhân dân ở đó kháo nhau “Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm!” (Củng Hồ tiếng địa phương là Bác Hồ). Thực ra, Bác Hồ chữa bệnh cho các cháu không chỉ bằng thuốc mà bằng tấm lòng thương yêu của một người cha, một người ông lúc nào cũng mong cho con cháu khỏe mạnh, lớn khôn.
Chính vì lo lắng đến tương lai hạnh phúc của con em, Bác đã không chỉ quan tâm mà còn rất chú trọng đến việc tổ chức giáo dục nhi đồng. Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ phải chú ý đến “Hội Nhi đồng cứu quốc”. Đồng chí Đức Thanh nghe lời dạy của Bác đã tổ chức ra Hội Nhi đồng cứu quốc thôn Nà Mạ, trong đó có Kim Đồng, người thiếu niên anh dũng đã cống hiến tuổi thiếu niên đẹp đẽ, bất diệt của mình cho cách mạng.