Giải pháp nào để mở rộng diện tích khoai tây?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:00, 05/10/2011
Nông dân tỉnh ta có truyền thống trồng khoai tây vụ đông. Cây khoai tây ưa lạnh, dễ canh tác, thời vụ gieo trồng kéo dài từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11, quỹ đất để sản xuất khá dồi dào. Năm 1998, tỉnh ta đã có 4.516 ha khoai tây, chiếm 14,3% diện tích vụ đông. Do đầu tư thâm canh nên năng suất khoai tây tăng dần, đạt 14,9 tấn/ha vào năm 2010, tăng 2,7 tấn/ha so với năm 2000. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích trồng khoai tây cũng ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, UBND tỉnh và nhiều huyện đã có chính sách hỗ trợ giá mua giống khoai tây vụ đông để khuyến khích nông dân trồng loại cây này. Tuy nhiên, diện tích trồng khoai tây lại giảm mạnh. Từ năm 2005 đến năm 2010, diện tích trồng khoai tây vụ đông đã giảm 1.808 ha và chỉ còn chiếm 5,4% tổng diện tích cây vụ đông (năm 2005 khoai tây chiếm 10,2% tổng diện tích vụ đông). Cũng như nhiều loại cây vụ đông khác, việc mở rộng diện tích trồng khoai tây gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, các đơn vị cung ứng giống khoai tây tự sản xuất một lượng giống ở vụ xuân và bảo quản kho lạnh để phục vụ vụ đông. Tuy nhiên, phần lớn nguồn giống khoai tây vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều thời điểm, sản xuất khoai tây ở tỉnh ta gặp khó khăn do phải lệ thuộc vào số lượng, chất lượng, chủng loại, thời điểm cung ứng giống khoai tây Trung Quốc. Vụ đông năm 2010-2011, giống khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc bị khan hiếm đã khiến nhiều địa phương không mở rộng được diện tích. Chất lượng giống nhập khẩu khó kiểm soát cũng khiến nông dân lo ngại. Nguồn giống khoai tây có chất lượng cao, sạch bệnh để cung ứng cho nông dân vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Giá bán giống khá cao, chi phí đầu tư mua giống lớn nên không khuyến khích nông dân sản xuất.
Khoai tây chủ yếu vẫn tiêu thụ tự do ngoài thị trường, giá bán bấp bênh. Việc doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn ít. Không những thế, một số doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nhưng không duy trì được. Theo ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, vụ đông năm ngoái, nông dân một số xã hợp đồng trồng, bán sản phẩm khoai tây cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên, lúc thu hoạch sản phẩm, một số nông dân lại bán sản phẩm cho người khác, phá vỡ cam kết, ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí trồng 1 sào khoai tây khá cao (khoảng 800 nghìn đồng), lợi nhuận thu được không lớn cũng khiến nhiều nông dân ngại trồng cây này.
Việc mở rộng diện tích cây khoai tây vụ đông phụ thuộc nhiều vào số lượng, chất lượng nguồn giống.
Trong ảnh: Nông dân xã An Đức (Ninh Giang) chăm sóc khoai tây vụ đông 2010-2011. Ảnh tư liệu
Giải pháp tháo gỡ
Các giải pháp để nông dân tích cực trồng khoai tây phải hướng vào giải quyết các khó khăn về nguồn giống, thị trường tiêu thụ và chi phí sản xuất. Trước hết, các công ty cung ứng giống phải nâng cao năng lực tự sản xuất giống ở vụ xuân để bảo quản kho lạnh, cung cấp cho vụ đông. Hiện nay, các công ty mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% lượng giống cho vụ đông bằng cách này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2015 nguồn khoai tây giống vụ xuân sẽ đáp ứng 40% nhu cầu giống vụ đông. Ngoài ra, công ty cung ứng giống cần tăng cường hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có chức năng chọn tạo, sản xuất giống để có thêm nguồn giống nội địa cho sản xuất. Đối với nguồn giống khoai tây nhập khẩu, các công ty cần cung ứng đủ số lượng, đa dạng chủng loại, bảo đảm chất lượng giống cho nông dân. Chủ động nhập khẩu giống khoai tây chất lượng cao (Diamant, Atlantic, Solara, Eben, Aladin…) từ Hà Lan, Đức, Ốt-xtrây-li-a… Đối với nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc cần kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
Việc thu hút các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định cho khoai tây sẽ giúp mở rộng diện tích trồng. Ở những địa phương có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định thường có diện tích trồng khoai tây khá nhiều. Xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) có diện tích trồng khoai tây lớn nhất huyện, mỗi vụ đông trồng khoảng 60 ha. Ông Hà Đình Hóa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Nhiều năm liền, nông dân trong xã sản xuất khoai tây giống cho Công ty Phương Lam. Do đầu ra ổn định nên nông dân tích cực trồng cây này. Vụ đông này, xã có kế hoạch trồng 64 ha khoai tây trong tổng số 100 ha cây vụ đông. Đi đôi với khuyến khích doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nông dân, cơ quan chức năng phải tăng cường chỉ đạo sản xuất, giám sát khâu bán sản phẩm để bảo đảm cam kết giữa các bên.
Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng khoai tây, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng. Mở rộng diện tích trồng các giống khoai tây chất lượng cao có nguồn gốc từ Hà Lan, Đức, Ốt-xtrây-li-a, Mỹ. Áp dụng biện pháp cắt củ để giảm chi phí mua giống. Những vụ đông gần đây, một số địa phương thử nghiệm áp dụng biện pháp không làm đất (hoặc làm đất tối thiểu) khi trồng khoai tây nhằm giảm chi phí làm đất, công lao động. Mô hình này cần có tổng kết, rút kinh nghiệm để khuyến cáo cho nông dân.
Chính sách hỗ trợ giá mua giống của tỉnh và nhiều huyện nhằm giảm chi phí đầu tư khi trồng khoai tây. Thực tế khẳng định, vụ đông nào có chính sách hỗ trợ thì diện tích khoai tây sẽ mở rộng, ngược lại không có chính sách hỗ trợ thì diện tích giảm. Vụ này, UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ kinh phí để mở rộng diện tích khoai tây. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hỗ trợ còn chậm nên gây khó khăn cho các địa phương thực hiện. Ông Đào Quang Cách, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hải (Thanh Hà), đề nghị: “Nếu tỉnh có chính sách hỗ trợ thì cần sớm triển khai thực hiện để người dân chủ động sản xuất. Nếu chính sách hỗ trợ chậm triển khai sẽ khó mở rộng diện tích”.
NINH TUÂN
Kỹ thuật canh tác khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu - Giống và thời vụ: khung thời vụ từ ngày 15-10 đến 20-11 và bộ giống của địa phương. (Nguồn: Khoahocchonhanong.com.vn) |