Kenmark ngừng hoạt động và khoản nợ kếch xù

Công nghiệp - Ngày đăng : 07:12, 08/10/2011

Hiện Công ty Kenmark vay khoảng 50 triệu USD để đầu tư nhưng từ tháng 5-2010 đến nay, nhà xưởng của Kenmark vẫn chưa có đơn vị vào thuê...



Từ tháng 5 - 2010, khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark đã đóng cửa


Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 1107/QĐ - TTg ngày 21 - 8 - 2006. Ngày 1 - 12 - 2006, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư số 042043000045 cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (Đài Loan) đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, diện tích 46,4 ha (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư hơn 98 triệu USD. Tháng 5 - 2010,  các dự án đầu tư của Tập đoàn Kenmark tại khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark đều đột ngột ngừng hoạt động. Trước khi bỏ về nước, chủ đầu tư đã thanh toán tiền lương tháng 5 cho công nhân, sau đó thông báo với UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp và một số cơ quan liên quan biết về việc ngừng hoạt động tại Việt Nam. Biết chủ đầu tư đã bỏ về nước, lúc đó tại công trường, nhiều nhà thầu xây dựng nhà xưởng cho Kenmark ồ ạt vận chuyển hàng nghìn tấn thép ra khỏi khu công nghiệp để thu hồi công nợ, nhiều ngân hàng cũng tìm đến để thu giữ, “vớt vát” một phần vốn đã đổ vào đó. Trước thực tế trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã ra thông báo đóng cửa khu công nghiệp để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Đến nay, khu công nghiệp này vẫn bị đóng cửa, chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước để lại khoản nợ kếch xù cho các ngân hàng và nợ hơn 22 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Ông Mai Đức Chọn, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Cuối năm 2010, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải... và đưa vào sử dụng đúng tiến độ đăng ký với tỉnh. Trong khu công nghiệp đã có 6 dự án đầu tư thứ cấp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (đều là các công ty thuộc Tập đoàn Kenmark), với tổng số vốn đăng ký gần 200 triệu USD.  Trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ gia dụng đã đi vào hoạt động, 1 doanh nghiệp sản xuất màn hình tinh thể lỏng đang xây dựng nhà xưởng và 3 doanh nghiệp sản xuất khuôn, sản xuất kim phun, bao bì chưa triển khai mặc dù thời gian thực hiện dự án do chủ đầu tư đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đầu tư đã hết. Cùng thời gian trên xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, hàng loạt doanh nghiệp của Tập đoàn Kenmark tại nhiều nơi trên thế giới như Ma-lai-xi-a, Đài Loan, Anh... bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark đã đầu tư khoảng 70 triệu USD vào khu công nghiệp Việt Hoà - Kenmark, trong đó khoảng 50 triệu USD là vốn vay các ngân hàng trong nước. Từ tháng 5 - 2010 đến nay, nhà xưởng của Kenmark vẫn chưa có đơn vị vào thuê. Tuy nhiên, ông Chọn cho rằng: Không có chuyện doanh nghiệp bỏ trốn, bởi thực tế vẫn có người đại diện làm việc tại khu công nghiệp và thường xuyên thông tin, liên lạc với Ban Quản lý các khu công nghiệp về tình hình của doanh nghiệp. Còn khi nào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark có thể quay trở lại hoạt động thì hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Có thể đến khi khủng hoảng tài chính qua đi, tập đoàn ổn định trở lại, sẽ tiếp tục hoạt động hoặc sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề cho thuê nhà xưởng.

Bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Các ngân hàng cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark vay để đầu tư cơ sở hạ tầng là có thật đều là các ngân hàng nằm ngoài địa bàn tỉnh, như: Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô (Hà Nội), SHB Chi nhánh Quảng Ninh... Ngân hàng Nhà nước tỉnh không nắm được cụ thể. Kenmark đã đi ngược chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài của Chính phủ, của tỉnh là cần nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào, chứ không phải vào rồi lại vay tiền của ngân hàng trong nước để xây dựng tài sản cố định.

Theo nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xuất, nhập khẩu, Ban Quản lý các khu công nghiệp phải xác nhận dự án đầu tư và vốn đăng ký đầu tư thì Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark mới vay được tiền từ các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, ông Mai Đức Chọn khẳng định: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh không hề xác nhận để Kenmark được vay vốn tại các ngân hàng. Không hiểu tại sao không có xác nhận này mà Kenmark vẫn vay được vốn tại các ngân hàng trong nước?

Còn theo bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark từ năm 2010 đến nay nợ tiền thuế của 25 nhà thầu với số tiền hơn 18 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp hơn 4 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh đã nhiều lần mời doanh nghiệp đến làm việc nhưng do giám đốc đã bỏ về nước, không có người giải quyết. Cục Thuế tỉnh cũng đã đề nghị phía ngân hàng kiểm soát tài khoản của doanh nghiệp nhưng tất cả các tài khoản doanh nghiệp mở tại các ngân hàng đều không có tiền nên không thể thu hồi được nợ...

Từ thực tế trên cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp FDI đầu tư, làm ăn hiệu quả tại tỉnh ta thì vẫn có doanh nghiệp có chút ít vốn rồi vào kê khai quá mức, lập dự án lớn, kê khai khống cơ sở hạ tầng để vay tiền ngân hàng... Đây cũng là tiếng chuông báo động đối với các đơn vị liên quan, nhất là phía các ngân hàng cần thận trọng hơn khi cho các dự án FDI vay vốn. Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có biện pháp chấn chỉnh việc cấp phép, quản lý sau cấp phép các dự án FDI. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, hoạt động xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

HÀ VY