Phía sau “Những đứa con biệt động Sài Gòn”
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 07:30, 08/10/2011
Bộ phim được độc giả đón nhận rất hào hứng, một phần do bộ phim mang hơi hướng của một vụ án nổi cộm, tiếp nữa phải kể đến những chi tiết “giả mà như thật”...
Bảy Xoài và Phượng “đê”, hai nhân vật trong “Những đứa con biệt động Sài Gòn”
Ngay khi vừa lên sóng những tập đầu tiên trên kênh VTV1, bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” đã gây nhiều chú ý từ phía khán giả. Một phần do bộ phim mang hơi hướng của một vụ án nổi cộm nhất trong nhiều năm qua, tiếp nữa phải kể đến những chi tiết “giả mà như thật”...
Tìm số phận cho nhân vật
Nói là bộ phim được làm theo diễn biến của chuyên án Z5.01 và cuộc đời của “ông trùm” Năm Cam thì cũng đúng, bởi bóng dáng của Năm Cam, Dung Hà, Hải “bánh”, hay Lâm “chín ngón” vẫn hiển hiện qua các vai diễn Bảy Xoài, Phượng “đê”, Mộc “già”… Nhưng nếu cứ theo hồ sơ chuyên án mà dựng, chắc sẽ khô cứng và thiếu hấp dẫn. Vì thế, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải cùng đạo diễn Long Vân đã “thổi” cho mỗi nhân vật một số phận. Khán giả xem truyền hình có thể thấy, 10 tập đầu là những mưu toan quyền bính, tranh chấp lãnh địa làm ăn. Nhưng sau đó, tác giả đã để cho người xem thấy được chiều sâu nội tâm của nhân vật. Không áp đặt toàn bộ cuộc đời Năm Cam lên nhân vật, trong đời Bảy Xoài có thiện ác đan xen. Ngay cả trong đám đàn em của Phượng “đê” cũng có tuyến nhân vật được lý giải do bối cảnh gia đình mà sa chân lỡ bước. Mọi nhân vật đều đi đến tận cùng của luật nhân - quả.
Hào hứng nhập cuộc
Ngay sau khi nhận được kịch bản, đạo diễn Long Vân liền lên đường vào TP Hồ Chí Minh, bỏ tiền túi ra để thành lập Hãng phim Long Vân. Mất cả thời gian dài phim mới quay được, nhờ Đài Truyền hình Vĩnh Long đầu tư với mức kinh phí vừa phải. Chính vì thế, phim lên sóng Đài Truyền hình Vĩnh Long đầu tiên, nhưng bản quyền thuộc về Long Vân. Hai tuần sau, Đài Truyền hình Bình Dương lập tức mua để phát sóng. Sự chân thật trong những cảnh “đấm đá” đã hấp dẫn khán giả. Khi phim chiếu hết 39 tập, thị trường đã xuất hiện đĩa nén của toàn bộ 39 tập phim. Một vài người quen làm ở hải quan thỉnh thoảng gọi cho nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải thông báo rằng, đã phát hiện nhiều trường hợp mang đĩa phim ra nước ngoài. Nhận được tin, ông Nguyễn Xuân Hải cười: “Thì cũng phải mang ra nước ngoài cho bà con xem”.
Bối cảnh thật
Với sự giúp đỡ của Bộ Công an, đoàn làm phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” đã mời được Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 - đơn vị từng thực hiện vây bắt Năm Cam tham gia trong một số cảnh quay. Các chiến sĩ đặc nhiệm từng trải qua thực tế bước vào khung hình rất tự nhiên và chân thực. Đội khám nghiệm tử thi Dung Hà đêm xảy ra án mạng trên đường Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh cũng được mời tham gia với vai trò đội khám nghiệm tử thi nhân vật Phượng “đê”. Đạo diễn Khương Đức Thuận kể, từng chi tiết nhặt mẩu giấy, vỏ viên đạn, đeo găng tay… đều được các thành viên của đội thực hiện y như một vụ án thật. Quay phim chỉ việc lia máy theo. Chính vì thế kỹ thuật hình sự được tái hiện sinh động theo từng góc quay.
Mới lên sóng VTV1 chưa đầy 20 tập, nhưng đoàn làm phim đã rục rịch chuẩn bị cho phần 2 của “Những đứa con biệt động Sài Gòn”. Theo tiết lộ của nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải, hiện ông đã hoàn thành đề cương chi tiết cho phần 2, đó sẽ là cuộc đấu trí với tội phạm ma túy và buôn bán phụ nữ ra nước ngoài.
Yên Vân (ANTĐ)