Lê Phúc mê chèo

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 10:29, 08/10/2011

Sinh năm 1941, trưởng thành từ phong trào quần chúng, tròn 18 tuổi, chàng trai Lê Phúc đã trở thành nhạc công đàn tam của đoàn chèo Chí Linh.



Ngoài 70 tuổi, nghệ sĩ Lê Phúc (ảnh) ở khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa (Chí Linh) đã sáng tác trên 500 tác phẩm nghệ thuật: ca khúc, kịch bản sân khấu chèo, sách… Đó là những đóng góp không nhỏ của ông cho nghệ thuật tỉnh nhà.    

Mê chèo từ bé

Sinh năm 1941, trưởng thành từ phong trào quần chúng, tròn 18 tuổi, chàng trai Lê Phúc đã trở thành nhạc công đàn tam của đoàn chèo Chí Linh. Năm 1961, khi đoàn chèo giải thể, ông trở thành cán bộ văn hóa phụ trách mảng văn nghệ của huyện Chí Linh. Từ đó, vừa làm công tác văn nghệ quần chúng, ông vừa mày mò sáng tác. Dần dần, các sáng tác của ông đã được đông đảo quần chúng đón nhận và giành những kết quả đáng khích lệ trong các đợt liên hoan văn nghệ quần chúng. Nghệ sĩ Lê Phúc cho biết: "Hồi còn bé, mỗi khi nghe thấy Đoàn chèo Quân khu Tả Ngạn hoặc các đoàn chèo trong vùng biểu diễn ở đâu là tôi tìm tới xem kỳ được. Rồi về nhà cứ thế tự lần mò đàn, hát theo thành quen. Để trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, tôi đã theo học một lớp âm nhạc 6 tháng, tiếp theo là một lớp mỹ thuật 3 tháng. Với những kiến thức học được từ lúc chỉ chơi được đàn tam, tôi đã có thể sử dụng thành thạo sáo, nhị, trống, đàn nguyệt… Trong suốt những tháng năm chiến tranh chống Mỹ, ông đã mang tiếng đàn, tiếng hát của mình phục vụ quân và dân trong huyện và đã sáng tác nhiều ca khúc như: Cô gái Chí Linh, Chí Linh quê hương ta… được đông đảo nhân dân yêu thích.

Không ngừng sáng tạo

Điều khiến chúng tôi khâm phục nhất ở nghệ sĩ già Lê Phúc là niềm đam mê nghệ thuật. Chính niềm đam mê này khiến ông không ngừng tìm tòi học hỏi và sáng tạo. Sức sáng tạo của ông minh chứng cho sự trăn trở với nghề, thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm. Năm 1975, khi đất nước giải phóng, nghệ sĩ Lê Phúc được cử đi học lớp đạo diễn sân khấu chèo 4 năm tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh). Từ đó, nghệ thuật chèo đã trở thành duyên nghiệp, đeo bám, thấm vào máu thịt và theo ông trọn cuộc đời. Sau khi học xong, ông được Nhà hát chèo Việt Nam mời ở lại công tác, song ông vẫn quyết định trở về quê. Tại đây, hàng loạt kịch bản sân khấu chèo lần lượt được trình làng đã thành công. Đầu tiên là tác phẩm chèo ngắn “Chồng cam vợ quýt” do Đoàn Chèo Hà Nội dựng. Tác phẩm đã đoạt huy chương vàng Hội diễn không chuyên toàn quốc và được Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Việt Nam lấy làm giáo trình giảng dạy. Tác phẩm “Cá mè đè cá chép” giành huy chương vàng Hội diễn sân khấu truyền hình toàn quốc năm 1999 và vở "Bà chúa Sao Sa" đoạt giải 3 truyền hình toàn quốc năm 2002, giải C kịch bản của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Rồi hàng loạt các vở như “Cỗ nhất món”, “Kén rể”, “Y như cũ” cũng đem lại vinh quang cho ông. Những vở diễn này được nhiều đài Trung ương, địa phương phát sóng. Đến nay, ông đã sáng tác trên 500 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có hơn 60 vở chèo ngắn, dài được giải toàn quốc và của tỉnh; 16 tác phẩm đoạt giải A sân khấu quần chúng toàn quốc… Chèo vốn là môn nghệ thuật cổ, đề tài cũng thường đề cập đến các tích truyện cổ. Thế nhưng các kịch bản chèo của nghệ sĩ Lê Phúc chủ yếu viết về các đề tài hiện đại, mang hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, ông đã biết vận dụng các làn điệu dân ca các miền vào kịch bản chèo rất độc đáo, hấp dẫn và dễ thuộc.

Không chỉ sáng tác kịch bản sân khấu, nghệ sĩ Lê Phúc còn viết hàng chục đầu sách sưu tầm những mẫu chuyện về các danh nhân, những di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn huyện Chí Linh, như: Tích Phật Huyền Quang, Sự tích Bà chúa Sao Sa, Côn Sơn những điều cần biết, Nguyễn Trãi những mẩu chuyện hay… Có đầu sách như “Côn Sơn những điều cần biết” của ông đã bán được trên 5 vạn bản cho du khách tham quan di tích. Ngoài ra, những lúc rãnh rỗi, ông còn làm thơ chia sẻ cùng bè bạn. Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, đam mê sáng tạo vẫn chưa cạn trong ông. Mỗi ngày, ông vẫn dành thời gian đều đặn ngồi vào bàn viết. Mỗi khi có hội diễn hay cuộc thi văn hóa văn nghệ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, thị xã đều đến nhờ ông viết giúp kịch bản. Đưa cho chúng tôi xem tập kịch bản chèo vừa hoàn thành, nghệ sĩ Lê Phúc chia sẻ: Đây là tập kịch bản tôi viết cho Thị đoàn Chí Linh để tham dự cuộc thi môi trường nước sạch được tổ chức tại Hải Phòng tới đây. Mỗi khi một tác phẩm hoàn thành và được dàn dựng biểu diễn, tôi vui lắm. Với người nghệ sĩ, niềm hạnh phúc lớn nhất là tác phẩm của mình tới công chúng.

Với những cống hiến trên, ông được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, được Trung ương và địa phương khen thưởng. Nhân Ngày Sân khấu Việt Nam 12-8 vừa qua, ông vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen về những đóng trong xây dựng và phát triển sự nghiệp sân khấu tỉnh nhà.

NGỌC HÙNG