“Bên cửa sông”: Cảm xúc về những con người và vùng đất

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:11, 09/10/2011



Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành tập bút ký đầu tiên “Bên cửa sông” của nhà văn, nhà báo Cao Năm. Gọi là đầu tiên, vì những tác phẩm trước đó của ông chủ yếu là các tập truyện ngắn, như Người ngoài họ, Tiếng vọng, Con trai thứ, Đứa bé đẻ trong hang núi, Hạ mã, Gửi người trần gian, Trăng suông và tiểu thuyết Bão đồng. Còn ở thể ký, “Bên cửa sông” là tập đầu tiên, tập hợp những bút ký của ông đăng rải trên báo chí trong thời gian qua. Đây là tập sách thể hiện rõ nhất cái thuận, cái lợi thế của nhà văn viết báo và nhà báo viết văn như Cao Năm.

18 bài bút ký trong tập “Bên cửa sông” mang đến cho người đọc cảm xúc thẩm mỹ đầy đặn về những con người và vùng đất mà tác giả đặt chân tới, dẫu đó là con người và vùng đất ở Hải Phòng quê ông, hay bất cứ đâu tác giả có dịp tới, đều để lại trong lòng người viết ấn tượng khó quên. Đó là những con người mới, người tốt việc tốt, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp và nông thôn gắn liền với hoàn cảnh của từng thời điểm, từng giai đoạn mà có lẽ những người được chứng kiến đều ghi sâu trong ký ức một thời. Đó còn là bản sắc, sức mạnh ý chí và tinh thần của những con người và vùng đất quê ông, và cả những miền quê trên bước đường công tác ông có dịp đặt chân tới. Mỗi con người và miền đất ấy được tác giả viết bằng những quan sát, ghi chép tỷ mỉ, giàu tư liệu và đầy ắp ký ức, nên mỗi bút ký trong tập đều mang đến cho người đọc không những nhiều cảm xúc dạt dào, mà quý hơn, là cái tình đằm thắm đối với mỗi con người và vùng đất đó.

Nhưng đọc thích nhất, có duyên nhất có lẽ là mảng bút ký Cao Năm viết về nông thôn. Vì trước hết, ông vốn là một nhà văn nông dân, đã có ngót trăm truyện ngắn mà phần nhiều viết về nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Thêm nữa, ngày còn công tác ở báo Hải Phòng, ông từng phụ trách địa bàn nông nghiệp, nông thôn một thời gian dài. Bởi vậy, những trang viết của ông về mảng đề tài này thật tự nhiên, đậm hồn cốt của cái anh nông dân cầm bút. Ông đưa ra lượng thông tin nhiều mà không khô cứng, tả cảnh tả tình mà thực ra là để làm nổi bật chủ đề được ông hoạch định từ lúc đặt bút. Viết Đất đổi màu, nhưng Cao Năm nói nhiều về những hình ảnh “con kênh như lòng máng”, “bờ đê nhỏ như bờ trạch”, “một bát nước phù sa bằng ba bát cháo lòng”... để chốt lại cái tác giả muốn đề cập là cần có sự đổi thay cơ bản về thủy lợi mới là nguyên nhân tạo nên sự đổi màu của đồng đất, của những mùa vàng bội thu, một vấn đề tưởng cũ mà luôn luôn mới, nhất là hiện nay chúng ta đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Rồi “Những khu nhà nằm như bát úp ven chân đê lại là nơi mọc lên hàng loạt trang trại” của người nông dân ở làng ven đê hữu ngạn sông Thái  Bình. Cái duyên nông thôn của nhà văn, nhà báo Cao Năm cũng nổi bật trong các bút ký “Hạt thóc mùa này”, “Bên cửa Thái Bình”, “Làng chiếu cói Lật Dương”, ở đó người nông dân tuy khác nhau về thế hệ, nhưng gặp nhau ở sự chuyển động tư duy, trăn trở và khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương. 

Người ta thường bảo: cánh nhà văn, nhà báo là hay đi, hay hỏi, chịu la cà. Những tưởng chỉ hồi trẻ, Cao Năm đã vậy. Nhưng sau tuổi nghỉ hưu, ông dường như vẫn còn nguyên thói quen ấy. Vì thế, từ sau khi nghỉ hưu (2001), Cao Năm đã chẳng hưu đôi chân và cái đầu. Ông đi Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, lên Bắc Cạn, Thái Nguyên, sang tận Cộng hòa Séc… Thế là bằng trang viết, đi đâu ông cũng kéo bạn đọc cùng đi, như một cách “du lịch không hộ chiếu”. Ông đi chợ ta bên Tây (Cộng hòa Séc), gặp người đất Cảng mở quán bún cá Hải Phòng trong một trung tâm thương mại của người Việt, vừa là mưu sinh, vừa như giữ lại nét ẩm thực quê ta ở xứ Tây. Lại nữa, cũng bằng sự hỏi và quan sát mà Cao Năm lại có một nhân vật nữa là anh Lời, nguyên nhân viên Công ty Bưu chính và phát hành báo chí hồi còn ở trong nước, giờ sang Tây cũng lại làm nghề bán sách báo ngay ở chợ. Rồi một chị người Hà Nội lấy chồng Tây bên ấy mà nở nang danh thơm người Việt bằng nghề trồng rau, buôn bán rau xanh trong chợ Sa Pa ở ngoại ô Pra-ha. Cái không khí hội nhập quốc tế, nô nức làm ăn mà vẫn thấm đậm tình người Việt là sự hấp dẫn khi đọc những bút ký “Sang Tây đi chợ ta”, “Đi chợ gà Tây”. Với những con người bình thường nhưng mang đậm sắc thái một vùng đất như cố thi sĩ Lê Đại Thanh, nhà thư pháp Lê Thiên Lý, nhà văn, đại tá Mai Vui... tác giả cũng có cách phác họa chân dung để lại trong người đọc niềm tự hào về trữ lượng văn hóa tinh thần của một miền quê qua những nhân vật ấy. 
Theo đúc kết của các nhà văn viết bút ký, thì tất cả các sự kiện trong đời sống đều có giá trị vật chất với tư cách là “nguyên liệu cho sáng tác, đầu vào của tác phẩm”. Người viết bút ký có trách nhiệm chuyển hóa sức mạnh các sự kiện ấy qua khả năng chịu đi, chịu quan sát, ghi chộp và bằng cảm xúc văn học. Ra mắt tập bút ký “Bên cửa sông” ở tuổi 70,  nhà văn, nhà báo Cao Năm đã chứng minh rằng mình đã hội tụ được những khả năng ấy.

ANH THƠ