Nông dân xã Hưng Đạo lại hỏng vụ hành tây

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:09, 14/10/2011

Do thời tiết bất thường, mưa kéo dài nên hàng chục ha hành tây của Hưng Đạo bị thối, người dân thiệt hại hàng tỷ đồng...


Ông Nguyễn Huy Bình ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bên ruộng hành tây đang chết thối dần


Nhiều hộ nông dân ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) lại đang bị thiệt hại nặng khi cây hành tây bị chết sau mưa bão. Năm ngoái, chính các hộ dân ở đây cũng đã từng khốn khổ vì trồng phải giống hành tây rởm...

Hành thối đầy đồng

Cơn bão số 5 gây mưa kéo dài, kèm theo gió làm cho trên 100 ha rau màu vụ đông mới trồng của xã bị ảnh hưởng nặng, trong đó hàng chục ha hành tây bị dập nát, thối củ. Tại khu đồng Đống Đa - Ngũ Lão ở thôn Xuân Nẻo trưa 11-10, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những ruộng hành tây xơ xác, chết đầy mặt luống và bắt đầu bốc mùi thối. Giống như nhiều bà con khác cùng thôn, ông Nguyễn Huy Bình ở xóm 2 đang tỉa bỏ từng cây hành chết thối, cố gắng chăm sóc những cây còn sống. Ông Bình than thở: "Giữa tháng 9 vừa qua, nhà tôi trồng 6 sào hành tây. Hành phát triển tốt, đang bắt đầu làm củ thì gặp bão, mưa kéo dài. Gia đình đã chủ động bơm tát, tháo gạn nước, phun và rắc thuốc chống thối nhũn nhưng không có tác dụng, 4 sào hành tây vẫn bị thối hỏng hoàn toàn. Hiện còn 2 sào nữa cũng đang bị thối dần. Mấy ngày nay trời nắng to, hành càng nhanh thối, khó giữ lắm". Được biết, gia đình ông Bình đã đầu tư hơn 18 triệu đồng tiền giống, phân bón các loại cho 6 sào hành tây, chưa kể tiền thuê máy làm đất, công chăm sóc.

Tại xóm 4, hộ bà Nguyễn Thị Hương có gần 1 mẫu hành tây đã bị chết thối mất hơn một nửa, thiệt hại ước tính 15 triệu đồng. Bà Hương cho biết: "Những cây hành tây còn 1-2 lá nõn, trông có vẻ sống được, nhưng dưới gốc đã thối nhũn, tụt củ, rễ đen ngòm... Tôi đã làm đủ mọi cách mà hành vẫn cứ chết từng ngày. Bây giờ trồng dặm thì không kịp thời vụ, mà trồng các loại cây rau màu như su hào, cải bắp thì chỉ sợ sau này khó bán, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu.

Vụ này, thôn Xuân Nẻo có khoảng 140 hộ trồng hành tây, hộ trồng nhiều nhất 1,4-1,5 mẫu, ít cũng 4-5 sào nhưng hầu hết đều bị thiệt hại, nhiều gia đình mất trắng.

Thiệt hại tiền tỷ

Ông Nguyễn Văn Xô, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo cho biết: Xã hiện trồng được khoảng 130 ha rau màu vụ đông (bằng 50% diện tích cả vụ). Riêng cây hành tây chiếm 60 ha, tập trung ở 2 thôn Xuân Nẻo (40 ha), Ô Mễ (20 ha). Nông dân chủ yếu trồng giống hành tây F315 và F277 (mới). Bão số 5 gây mưa kéo dài, song do xã đã chủ động các biện pháp tháo gạn nước nên không có tình trạng rau màu bị ngập úng. Tuy nhiên, do cây hành tây rất khó chăm sóc, mặt luống bị ngấm nước nhiều nên nhiều diện tích hành bị chết. Trong đó, khoảng 20 ha hành trồng sớm (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9) gần như bị thối hỏng hoàn toàn. Những diện tích hành còn lại (trồng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10) do cây còn nhỏ nên tỷ lệ bị chết thối chiếm khoảng 15-30%. Để đầu tư cho mỗi sào hành tây, nông dân phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Như vậy, nếu chỉ tính 20 ha hành tây trồng sớm bị chết thối hoàn toàn, nông dân xã Hưng Đạo cũng chịu thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.

Hành tây là cây trồng chủ lực trong vụ đông ở đây. 2-3 năm trước, bình quân mỗi ha hành tây cho thu từ 250-270 triệu đồng. Hiện nay, thời vụ trồng hành tây vụ đông đã hết, nếu cứ tiếp tục trồng lại, cây hành sẽ phát triển kém, gặp thời tiết bất thuận sẽ có nhiều sâu bệnh, hiệu quả không cao. Vì thế, xã đang động viên nông dân tiếp tục chăm sóc những ruộng hành có tỷ lệ cây còn sống từ 60% trở lên. Khẩn trương tỉa bỏ những cây đã chết thối hoặc có nguy cơ chết để tránh vi khuẩn lây lan ra những cây còn sống. Phun hoặc rắc các loại chế phẩm sinh học đặc hiệu chống thối nhũn cho tất cả các diện tích hành, đồng thời có thể trồng dặm bằng cây hành ta. Đối với những diện tích hành bị chết thối không còn khả năng phục hồi thì phá bỏ, khẩn trương làm lại đất, vệ sinh đồng ruộng để trồng một số loại rau màu khác cũng cho giá trị kinh tế cao như: su lơ, su hào, cải bắp... HTX Dịch vụ nông nghiệp tiếp tục bám sát đồng ruộng, tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và dịch hại trên cây trồng để nông dân chủ động phòng trừ; điều tiết nước phục vụ sản xuất, đồng thời chủ động các biện pháp tiêu úng khi có mưa bão xảy ra.

BÌNH MINH