Bình Giang giải bài toán chậm thời vụ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:32, 15/10/2011
Hiện nay, các trà lúa trên địa bàn huyện Bình Giang chủ yếu trong giai đoạn chắc xanh và đỏ đuôi. Một số giống lúa ngắn ngày thuộc trà lúa sớm đang bắt đầu được thu hoạch. Năm nay, thời điểm thu hoạch lúa mùa chậm hơn so với năm trước từ 15-20 ngày, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc trồng cây vụ đông, nhất là các cây vụ đông sớm. Để khắc phục tình trạng chậm thời vụ, huyện Bình Giang đã đề ra nhiều giải pháp để đạt kế hoạch trồng cây vụ đông.
Do ảnh hưởng của thời tiết, vụ mùa năm nay sẽ kết thúc chậm hơn mọi năm nên việc mở rộng diện tích trồng cây vụ đông của Hùng Thắng gặp nhiều khó khăn. Bác Nguyễn Thị Hạ, người dân thôn Nhân Kiệt, lo lắng: “Thông thường, mọi năm, đến thời điểm này, cây vụ đông đã lên xanh tốt. Ngày 15-9 chúng tôi đã ươm bầu ngô, bí xanh và đến ngày 20-9, đưa cây xuống ruộng trồng. Nhưng đến nay, đã gần giữa tháng 10 mà lúa mới bắt đầu đỏ đuôi nên việc trồng bí phải lùi lại. Theo kinh nghiệm của tôi, trồng bí muộn sẽ giảm năng suất và sâu bệnh sẽ nhiều hơn”. Ông Nguyễn Công Việt, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: “Do ảnh hưởng của thời tiết nên khả năng đến hết tháng 10 xã mới hoàn thành xong việc thu hoạch lúa mùa. Nếu đợi thu hoạch lúa xong, nông dân mới bắt đầu trồng vụ đông sẽ bị chậm thời vụ, nhiều loại cây ưa ấm sẽ bị chết do không phù hợp với thời tiết. Một trong những biện pháp tối ưu được xã lựa chọn trong vụ đông năm nay là sử dụng biện pháp làm đất tối thiểu. Xã đã chủ động hướng dẫn nông dân gieo trồng một số loại cây vụ đông ưa lạnh để phù hợp với thời vụ như: bí xanh, ngô, đậu tương... Xã chỉ đạo nông dân thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc “rẽ lúa trồng rau”, thu hoạch nhanh gọn lúa mùa để lấy đất làm vụ đông. Hướng dẫn nông dân trồng các giống đậu tương DT12, DT99 bằng phương pháp gieo vãi. Gieo các giống ngô nếp ngắn ngày như nếp lai, LVN2, MX10, MX8 vào bầu trước khi đưa ra ruộng. Một số loại bí trồng vào bầu to, sau đó gặt lúa theo hàng để đặt ra ruộng; mở rộng diện tích trồng khoai tây Hà Lan, Trung Quốc và khoai lang. UBND xã yêu cầu cán bộ phụ trách nông nghiệp phải thường xuyên bám sát đồng ruộng để hướng dẫn nông dân thực hiện đúng kế hoạch sản xuất của huyện. So với mọi năm, diện tích cây ưa ấm của Hùng Thắng đã giảm 10-20%, diện tích trồng các loại cây ưa lạnh tăng lên đáng kể.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bình Giang, hằng năm, diện tích cây vụ đông ưa ấm của huyện chiếm khoảng 60% diện tích. Do chậm thời vụ nên năm nay Bình Giang chủ động khắc phục bằng cách chuyển hướng sang trồng các cây ưa lạnh, nhất là cây khoai tây. Do năm nay giá giống khoai tây cũng tương đối cao cộng với nguồn giống khan hiếm nên Phòng NN-PTNT huyện đã chủ động lên kế hoạch, chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp cho nông dân đăng ký mua giống sớm. Huyện hỗ trợ 40 nghìn đồng/sào cho nông dân trồng khoai tây. Song song với việc khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây khoai tây, huyện đã vận động nhân dân trồng cây bí xanh. Bình Giang là một huyện có diện tích trồng cây bí xanh lớn. Nhiều xã như: Tráng Liệt, Tân Việt, Hùng Thắng... có truyền thống trồng cây bí xanh nên việc mở rộng diện tích cây bí xanh không khó. So với các cây trồng khác, trồng bí xanh có ưu điểm là nông dân có thể làm bầu tại nhà. Sau đó, khoảng từ 15 - 20 ngày, nông dân có thể rẽ lúa đặt bầu mà không cần làm luống. Do đó có thể trồng bí xanh trước khi lúa được thu hoạch để khắc phục chậm thời vụ. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn nông dân trồng các loại rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất, giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Huyện đặc biệt chú trọng xây dựng các vùng trồng cây vụ đông tập trung ở các xã: Cổ Bì, Hùng Thắng, Tráng Liệt.
Vụ đông năm nay, nông dân ngoài việc phải khắc phục khó khăn do chậm thời vụ còn phải đối diện với việc giá giống, vật tư nông nghiệp tăng cao, thời tiết diễn biến thất thường. Để có một vụ đông thắng lợi, ngay từ đầu vụ rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời, có các biện pháp chăm sóc cây vụ đông hợp lý. Mặc dù sản xuất vụ đông gặp khó khăn, song với giá trị kinh tế mà cây vụ đông mang lại thời gian qua, việc mở rộng diện tích cây vụ đông đang là mục tiêu mà các địa phương của huyện Bình Giang đang hướng tới.
HẢI MINH