Nâng cao chất lượng lương thực

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:13, 16/10/2011

Việc sản xuất lương thực của tỉnh ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn do tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bấp bênh...

Những năm gần đây, sản xuất lương thực ở tỉnh ta đã đạt những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn lương thực, đáp ứng nhu cầu của thị trường đang là vấn đề được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm.

Năm 2002, tỉnh ta vận động nông dân mở rộng diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao. Toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 15-20% tổng diện tích gieo cấy của cả vụ. Đến nay, cơ cấu các giống lúa chất lượng cao đang được mở rộng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những giống lúa Nàng xuân, Bắc thơm số 7, T10, QR1... ngày càng được thị trường ưa chuộng. Thanh Miện là một trong những địa phương có diện tích lúa chất lượng cao lớn trong tỉnh. Trong cơ cấu vụ mùa năm nay, diện tích lúa chất lượng cao chiếm 49% tổng diện tích gieo cấy của toàn huyện, tăng 3% so với vụ mùa năm trước. Nhờ thâm canh lúa chất lượng cao mà nông dân trong huyện dần tiếp cận với sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Bác Nguyễn Thị Vui, nông dân thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha, cho biết: “Năm nay tôi cấy 4 sào Bắc thơm số 7, tăng thêm 2 sào so với vụ mùa năm ngoái. Do chất lượng gạo thơm ngon, giá bán lại cao hơn so với các giống lúa khác từ 1.500-2.000 đồng/kg, nên không chỉ gia đình tôi mà có rất nhiều hộ trong thôn mở rộng diện tích cấy giống lúa này”. Để giúp nông dân sản xuất lúa chất lượng cao đạt hiệu quả, huyện Thanh Miện đã đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng và có chính sách trợ giá cho nông dân. Huyện cử cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông hướng dẫn nông dân gieo trồng các giống lúa mới như: Hương thơm số 1, Nàng xuân, QR1... Hiện nay, các giống lúa chất lượng đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu mùa vụ của địa phương.

Nếu như những năm trước đây, nông dân trồng ngô với mục đích chủ yếu làm thức ăn cho gia súc. Thì nay, phần lớn nông dân trong tỉnh trồng ngô với mục đích sản xuất hàng hóa. Những giống ngô chất lượng tốt như: ngô nếp MX8, MX10, ngô nếp wax 44, HN88,  ngô nếp siêu ngọt, ngô ngọt... đã trở thành một trong những thực phẩm được ưa thích trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình và các nhà hàng, khách sạn. Cổ Dũng là xã có diện tích trồng ngô lớn của huyện Kim Thành. Mỗi vụ, xã cung cấp cho thị trường khoảng 500  tấn ngô nếp các loại. Những bắp ngô nếp ngọt thơm đã theo chân các thương lái đến Quảng Ninh, Hà Nội, vào tận các tỉnh Bắc Trung Bộ... Những năm qua, việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô ở xã Cổ Dũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Vụ đông năm nay, huyện Kim Thành có kế hoạch trồng 350 ha ngô, tập trung chủ yếu ở các xã khu A như: Cổ Dũng, Thượng Vũ, Kim Xuyên. Cây ngô nếp ngày càng được thị trường ưa chuộng và trở thành cây trồng chủ đạo trong vụ đông ở các xã này. Tuy nhiên, hiện nay, việc trồng cây ngô ở Kim Thành đang gặp phải nhiều khó khăn bởi giá giống, vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng người dân không được hỗ trợ. Việc bán ngô nếp vẫn bấp bênh theo thị trường. Bài học “được mùa mất giá” khiến nhiều nông dân băn khoăn với việc mở rộng diện tích trồng ngô nếp.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 22 nghìn ha lúa chất lượng cao, bằng 36,7% tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 2.000 ha so với vụ mùa năm trước. Trong đó, các huyện như Bình Giang, Thanh Miện, Kim Thành... có diện tích cấy lúa chất lượng cao luôn chiếm từ 30-40% trở lên. Năm 2011, diện tích trồng ngô, khoai lang, khoai tây... của toàn tỉnh đạt 6.000 ha, giảm gần 2.000 ha so với năm trước. Hiện nay, việc sản xuất lương thực của tỉnh ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn do tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tình hình sâu bệnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh...

Vậy, tỉnh ta cần làm gì để nâng cao chất lượng nguồn lương thực, đáp ứng nhu cầu của thị trường? Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hải Dương cũng như nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng có thị trường tiêu thụ lương thực, đặc biệt là lúa gạo, chủ yếu là thị trường nội địa, do đó cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chế biến, thu mua lương thực, góp phần nâng cao chất lượng một số loại lương thực. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, đưa các giống mới năng suất, chất lượng vào cơ cấu mùa vụ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm vị thế cho cây lương thực tỉnh nhà trên thị trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu thị trường để chỉ đạo sản xuất phù hợp, xác định cơ cấu giống và tỷ lệ giống lương thực chất lượng cao phù hợp để đáp ứng tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, để ổn định sản xuất, ngành sẽ chỉ đạo các địa phương từng bước đồng bộ hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, hỗ trợ giá giống, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh... để ổn định sản xuất.

PV

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 28.500 ha lúa chất lượng cao, chiếm tỷ lệ  24% diện tích gieo cấy cả vụ. Năm 2020 phấn đấu gieo cấy 31.500 ha, chiếm tỷ lệ 29%, tăng 6% so với năm 2010. Đến năm 2020, toàn tỉnh duy trì diện tích trồng ngô 5.000-5.200 ha. Trong đó, ngô chất lượng cao chiếm 30% phục vụ nhu cầu hàng hóa...