Steve Jobs, thiên tài sáng tạo

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 21:29, 23/10/2011

Không còn “phù thủy” để nói cho người dùng biết họ muốn gì nữa, thế giới công nghệ mãi tiếc thương một thiên tài vô song...



Steve Jobs trong một buổi giới thiệu sản phẩm iPhone


Steve Jobs (Xtíp Gióp), nhà đồng sáng lập Apple, người đã từ chức CEO vào giữa những năm 1980 và trở lại sau một thập kỷ để đưa Apple trở thành một trong những công ty công nghệ thành công nhất thế giới, đã qua đời ở tuổi 56.

"Chúng tôi vô cùng đau buồn thông báo rằng Steve Jobs đã qua đời vào hôm nay. Sự sáng tạo, niềm đam mê và nghị lực của Steve là khởi nguồn của sự sáng tạo vô biên làm phong phú và cải thiện toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Thế giới tốt đẹp biết dường nào nhờ có Steve", Hội đồng quản trị của Apple cho biết trong một tuyên bố trong ngày 5-10. Cũng trong ngày 5-10, tân CEO Tim Cook (Tim Cúc) đã gửi một bức thư cho toàn thể nhân viên Apple: "Tôi xin được chia sẻ một tin đau buồn với tất cả các bạn. Steve đã qua đời vào sáng sớm nay. Apple đã mất đi một thiên tài sáng tạo có tầm nhìn vĩ đại và thế giới đã mất đi một con người kiệt xuất. Trong số chúng ta, những ai đã may mắn được biết và làm việc với Steve đã mất đi một người bạn thân và một người thầy thông thái đầy nhiệt huyết. Steve ra đi, để lại một công ty mà duy nhất chỉ có mình ông mới có thể xây dựng nên, và tinh thần của ông mãi mãi sẽ là nền tảng của Apple. Chúng ta sẽ sớm tổ chức một lễ tưởng nhớ cuộc đời phi thường của Steve cho toàn thể nhân viên của Apple. Không lời nào có thể diễn tả hết nỗi buồn vô hạn của chúng ta về cái chết của Steve cũng như lòng biết ơn của chúng ta vì đã có cơ hội được làm việc cùng ông. Chúng ta sẽ tưởng nhớ về ông với một lòng kính trọng bằng cách cống hiến hết sức mình để tiếp tục công việc ông hằng yêu thích vô cùng".

"Nhà độc tài"

Jobs sẽ được nhớ đến như là một thiên tài máy tính có tầm nhìn vĩ đại cũng như là một nhà độc tài trong lĩnh vực công nghệ. Ông đã kiên định đưa Apple đi theo con đường riêng, mà có thể làm nản lòng các đối tác cùng chung sức nhưng cho phép nó sản xuất ra các sản phẩm độc nhất vô nhị. Jobs cũng điều hành Pixar Animation Studios cực kỳ thành công trong suốt gần 20 năm, trước khi bán nó cho Disney vào năm 2006 với giá 7,4 tỷ USD.

Sau khi trở lại với Apple vào năm 1996, làm việc với nhà thiết kế Jonathan Ive, Jobs đã cho ra mắt một loạt “siêu phẩm" với thiết kế thanh lịch và đôi khi còn là táo bạo. Máy tính iMac màu sắc rực rỡ của ông đã át hẳn nét nhàm chán của PC tồn tại suốt 20 năm trước đó. iPod là một bước đột phá cho lĩnh vực máy nghe nhạc cầm tay, và cùng với cửa hàng trực tuyến iTunes đã làm thay đổi việc kinh doanh âm nhạc mãi mãi. Và màn hình cảm ứng của iPhone và iPad đã tạo ra những nhóm sản phẩm mới hoàn toàn.

Andy Grove, cựu Chủ tịch và CEO của Intel đã gọi Jobs là nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất ở Silicon Valley. Tuy nhiên, Jobs còn là một người khó tính, có bí quyết thúc ép nhân viên làm việc và làm rối trí các đối tác. Năm 2000, ông nổi tiếng với việc trừng phạt nhà cung cấp đồ họa ATI do đã để rò rỉ thông tin chi tiết về iMac tương lai, bằng cách loại sản phẩm của họ ra khỏi một số máy tính của Apple. Việc ông không cho phép Flash hoạt động trên iPhone và chính sách độc đoán của App Store đã dẫn đến những lời chỉ trích rằng công ty quá khép kín và hẹp hòi.

Thiên hướng phi thường của Jobs trong việc "đọc vị" xu hướng tương lai của các ngành máy tính và điện tử tiêu dùng đã giúp Apple dẫn đầu thị trường với những sản phẩm phải có. Ông đã khởi xướng cuộc cách mạng máy tính cá nhân (PC) với một trong những cỗ PC đầu tiên trên thế giới, chiếc Apple I được trình làng bởi ông và một "Steve" khác, Steve Wozniak (Xtíp Vốt-ni-ác). Jobs có nhiệm vụ tiếp thị sản phẩm, trong khi Wozniak tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật.

Doanh nhân

Những kỹ năng kinh doanh của Jobs bộc lộ ngay khi còn trẻ tuổi. Vào năm 1968, ông và một người bạn đã tạo ra "hộp màu xanh", một phụ kiện điện thoại bất hợp pháp cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi đường dài. Ông cũng đã bán và sửa chữa thiết bị âm thanh nổi trong suốt những năm trung học của mình.

Thời thanh niên, ông theo trào lưu phản văn hóa. Năm 1974, Jobs đã dùng số tiền tiết kiệm có được nhờ làm việc tại hãng Atari để đi du lịch đến Ấn Độ tìm sự giác ngộ về tinh thần. Ở độ tuổi 20, ông đã hẹn hò với biểu tượng âm nhạc dân gian Joan Baez. Ông thích mặc xuề xòa khi làm việc và nhạc sĩ yêu thích của ông là Bob Dylan (Bốp Đai-lơn).

Wozniak và Jobs kết bạn sau khi gặp nhau tại Hewlett-Packard vào năm 1971. Năm 1976, họ bắt tay chế tạo máy tính Apple I trong gara để xe của cha mẹ Wozniak sau khi góp được 1.750 USD - Jobs phải bán chiếc xe Volkswagen của ông, còn Wozniak thì bán chiếc máy tính (calculator) khoa học HP của mình.

Năm 1976, bộ đôi này thành lập Công ty Apple Computer Co., tên được đặt sau khi Jobs trải qua một mùa hè làm việc tại một vườn cây ăn quả ở tiểu bang Oregon (Ô-rê-gôn, Mỹ). Công ty được đổi tên thành Apple Computer Inc. một năm sau đó. Chiếc PC thứ hai của Apple, Apple II là một thành công, đạt doanh thu kỷ lục 139 triệu USD từ năm 1977-1979.

Macintosh (sau này thường gọi là máy Mac) của Apple trình làng vào năm 1984 đã giới thiệu giao diện đồ họa cho người dùng cho dòng máy tính để bàn chính thống. Mac chạy trên một bộ xử lý 32-bit (thời điểm đó các loại PC khác đang dùng BXL 16-bit) và có 128KB bộ nhớ, khả năng mở rộng lên đến 192KB. Nó gặt hái thành công ngay lập tức, với hơn 400 nghìn máy Mac đã được tiêu thụ ngay trong năm đầu tiên.

Năm 1985, Jobs và John Sculley (Giôn Xcun-lây), chủ tịch và giám đốc điều hành của Apple vào thời điểm đó, bất đồng về việc điều hành công ty, kết quả Jobs bị lật đổ. Ông rời công ty mà ông đồng sáng lập với khoản tiền bỏ túi 150 triệu USD và bắt đầu cuộc phiêu lưu tiếp theo của mình. Ông thành lập Công ty Next Computer, nhằm cung cấp máy tính cấp cao cho các trường, viện, sau đó sản phẩm không bán được vì giá quá cao nên lại chuyển hướng sang làm phần mềm. Giai đoạn này dù không thành công, nhưng ông đã gieo được những hạt giống cho phần cứng và phần mềm tương lai của Apple.

Trở lại Apple

Năm 1996, Jobs trở lại Apple sau khi công ty quyết định mua Next Computer trong một nỗ lực làm mới hệ điều hành cho máy Mac. Ông tạm giữ quyền CEO vào năm 1997 và bắt đầu công cuộc phục hồi tài chính cho công ty. Jobs lái Apple sang hướng kinh doanh âm nhạc với iPod vào năm 2001 và iTunes Music Store 2 năm sau đó. Cùng năm đó, ông công bố PowerMac G5, máy tính để bàn 64-bit đầu tiên, bỏ lại phía sau Intel, AMD và các đối tác sản xuất PC của họ.

Năm 2005, tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC), Jobs cho biết công ty sẽ gia nhập vào thế giới bộ vi xử lý Intel. Một năm sau, công ty thực hiện lời hứa, tung ra MacBook Pro và iMac. Tới tháng 8 cùng năm, công ty đã chuyển toàn bộ máy Mac sang sử dụng chip Intel.
Đầu tháng 1-2007, Jobs đã giới thiệu “siêu” phẩm iPhone đầu tiên và Apple TV, tiếp đó công ty cung cấp nhạc không dùng DRM (công nghệ quản lý bản quyền kỹ thuật số) tại iTunes Store.

Chống chọi với bệnh tật

Nhưng sức khỏe của Jobs ngày càng trở thành tâm điểm mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Đến năm 2006, ông đã trở nên gầy gò tiều tụy, và sau bài phát biểu chính tại Macworld 2008 của ông, trước những phỏng đoán của các nhà quan sát về sức khỏe của Jobs, Apple buộc phải lên tiếng. Công ty cho biết Jobs đã bị một "căn bệnh kinh niên" và đang uống thuốc kháng sinh để điều trị. Jobs và những người khác nói rằng vấn đề sức khỏe của ông "không đe dọa tính mạng" và không liên quan đến sự tái phát của căn bệnh ung thư tuyến tụy. Cuối năm đó, Bloomberg đăng lầm cáo phó Jobs (các công ty tin tức lớn thường soạn sẵn những bài cáo phó về các nhân vật nổi tiếng, để kịp loan tin với vài sửa đổi chút đỉnh khi nhân vật qua đời). Mặc dù bản tin đã được hạ xuống sau đó nhưng đã làm dấy lên những lời đồn đoán về một tương lai của Apple mà không có Jobs.

Tháng 1-2009, Jobs, người không hề muốn chia sẻ đời tư cho biết trong một lá thư rằng, sự mất cân bằng hoóc - môn đã làm cho mình giảm cân đáng kể. Chỉ một hay hai tuần sau đó, ông cho biết mình sẽ vắng mặt 6 tháng tại Apple để điều trị y tế, vì sức khỏe của ông đã trở nên tồi tệ hơn. Cook, khi đó là CEO thay mặt Jobs điều hành trong thời gian ông vắng mặt. Sau đó, thông tin tiết lộ cho biết Jobs đã trải qua một ca cấy ghép gan. Ông trở lại làm việc theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 6, mặc dù công ty cho biết ông sẽ làm việc bán thời gian từ nhà. Tháng 1-2010, ông xuất hiện trên sân khấu ở San Francisco (Xan Phran-xít-cô) để công bố iPad, và thêm một lần nữa vào tháng 9 để ra mắt phiên bản mới của Apple TV.

Tháng 1-2011, Jobs cho biết ông sẽ vắng mặt để tham gia một đợt điều trị y tế nữa, nhưng không cho biết thời gian bao lâu. Nhưng trong khi nghỉ phép, ông đã bất ngờ xuất hiện trên sân khấu tại một sự kiện ở San Francisco vào tháng 3 để giới thiệu iPad 2, và vào tháng 6 để giới thiệu iCloud và iOS 5 tại WWDC 2011.

Tại sự kiện tháng 6, Jobs trông hốc hác tiều tụy, mặc dù ông đã nói rất nhiệt tình về iPad mới. Hai tháng sau, ông từ chức CEO và gửi thư cho toàn thể nhân viên: "Tôi đã luôn luôn nói nếu một ngày nào đó khi tôi không còn có thể đáp ứng nhiệm vụ và những sự kỳ vọng vào tôi với vai trò CEO của Apple, tôi sẽ là người đầu tiên báo cho các bạn biết. Đáng tiếc là ngày đó đã đến".

Jobs ra đi, để lại cô vợ Laurene (Lau-ren), và 4 người con.

LÊ QUANG