Doanh nghiệp đối phó với nạn "nhảy việc"
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:14, 24/10/2011
Hệ lụy của nạn “nhảy việc" là người lao động bị thiệt thòi về thu nhập, còn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng quá trình sản xuất, kinh doanh...
Công nhân Công ty TNHH Mascot Việt Nam làm việc trong điều kiện khá lý tưởng
Hiện nay, lao động “nhảy việc" đã trở thành chuyện đau đầu đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực may, giày. Hệ lụy của nạn “nhảy việc" là người lao động bị thiệt thòi về thu nhập, công việc không ổn định và các chính sách về bảo hiểm khác, còn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng quá trình sản xuất, kinh doanh; hao tổn chi phí đào tạo. Để ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp đối phó.
Vấn nạn “nhảy việc"
Chúng tôi đã hỏi nhiều lao động về việc họ xin nghỉ làm ở công ty này để xin đến công ty khác thì mỗi người đều có một lý do. Chị Đ. T. H ở Tứ Kỳ vừa mới xin nghỉ việc ở Công ty Rich Way sau khi đã làm ở đây được 3 năm. Nguyên nhân vì nhà xa (từ nhà chị đến công ty 12 km), trong khi đó chị lại không có xe máy nên việc đi lại rất khó khăn. H. cho biết: “Công việc ở Công ty Rich Way rất tốt, ổn định. Lương, thưởng và các chế độ cũng bảo đảm nhưng tôi xin nghỉ việc ở công ty để tìm công việc gần nhà hơn”. Còn nữ công nhân H. T. B quê ở Bắc Ninh làm việc ở Công ty Samink Hà Nội Vi Na (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) đã được 6 năm cũng vừa xin nghỉ việc với nhiều lý do nhà xa, ít việc, thu nhập thấp. B. xin nghỉ để về Bắc Ninh xin việc cho gần nhà, công việc ổn định, thu nhập khá hơn.
Đến công ty nào, các cán bộ quản lý cũng phàn nàn về nạn “nhảy việc" của người lao động. Công ty TNHH Shints – BVT, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc (xã Thạch Khôi, TP Hải Dương) chuyên sản xuất quần áo thể thao xuất khẩu sang các nước Mỹ và châu Âu. Công ty có khoảng 3.500 công nhân, lao động chủ yếu là người trong tỉnh. Từ lâu, doanh nghiệp này đã quen với việc lao động “nhảy việc". Anh An Quốc Định, Trưởng Phòng Quản lý tổng hợp của công ty cho biết: "Công ty chúng tôi đã quá quen với nạn công nhân bỏ việc rồi. Năm 2010, công ty có gần 1.000 lao động bỏ việc, còn từ đầu năm 2011 đến nay, có khoảng từ 500 - 700 lao động bỏ việc. Bình quân mỗi tháng có từ 50 - 70 công nhân bỏ việc. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng đa số là “nhảy” sang các công ty khác”.
Công ty TNHH Mascot Việt Nam ở lô CN 3.1 khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) có khoảng 2.000 lao động, chủ yếu là người trong tỉnh. Mặc dù có điều kiện môi trường làm việc khá lý tưởng nhưng cũng luôn phải đối mặt với nạn “nhảy việc". Chị Trịnh Thúy Mai, Giám đốc Hành chính và Nhân sự công ty cho biết: “Hằng tháng số công nhân bỏ việc chiếm khoảng 5% tổng số lao động toàn công ty. Trong đó chiếm 3% là vi phạm pháp luật về lao động và hợp đồng lao động ký kết với công ty”. Chị Mai còn cho biết lao động bỏ việc ở đây như thế còn thấp. Nhiều công ty trong lĩnh vực may mặc ở trong khu công nghiệp này có hôm hàng trăm công nhân bỏ việc, khiến chủ doanh nghiệp "khóc dở mếu dở”.
Doanh nghiệp đối phó
Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều biện pháp để giữ chân lao động. Anh An Quốc Định, Trưởng Phòng Quản lý tổng hợp Công ty Shints- BVT cho biết: Công ty thường xuyên tổ chức tuyển dụng lao động ngay tại công ty và về các địa phương trong tỉnh để tuyển dụng. Đối tượng tuyển dụng là những người lao động có nghề may và những lao động chưa biết nghề. Những lao động biết nghề được bố trí công việc ngay, còn những lao động chưa biết nghề sẽ được công ty đào tạo. Để người lao động yên tâm làm việc, công ty xây ký túc xá cho công nhân, xây nhà trẻ cho công nhân gửi con; miễn phí cho công nhân một bữa ăn trưa. Công đoàn công ty chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, quan tâm chia sẻ, động viên những công nhân gặp hoạn nạn, ốm đau. Doanh ngiệp thực hiện đúng thời hạn phát lương, thưởng; thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; chế độ thai sản; các ngày lễ, tết công nhân được nghỉ theo quy định và được tặng quà...
Tại Công ty TNHH Mascot Việt Nam, theo chị Trịnh Thúy Mai, Giám đốc Hành chính và nhân sự công ty, biện pháp giữ chân lao động hiệu quả nhất là trả lương cao. Công ty trả lương theo năng lực làm việc của công nhân. Lao động học việc và thử việc thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, còn lao động hợp đồng từ 2,5 - 4,2 triệu đồng/người/tháng. Có công nhân thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng. Ở đây có nhiều người xin đi rồi lại xin trở lại. Những công nhân xin nghỉ có lý do, báo cáo theo đúng luật khi xin về công ty sẵn sàng nhận ngay. Còn những công nhân bỏ việc không lý do sau này xin về làm việc có giỏi đến mấy công ty cũng không nhận. Công ty Mascot Việt Nam cũng thường xuyên tuyển dụng lao động. Bình quân mỗi tháng công ty tuyển 100 lao động. Tuy nhiên đây là giải pháp tình thế, vì vậy cũng theo chị Mai, để hạn chế công nhân bỏ việc, các công ty cần phải tạo điều kiện môi trường làm việc tốt, quan tâm đến những yếu tố nhỏ nhất, như nơi vệ sinh; liên tục cải thiện điều kiện làm việc; chế độ lương, thưởng, phạt phải công khai, minh bạch, phù hợp và đúng hạn. Mặt khác, phải quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ chính sách, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và nội quy, quy định, chính sách của công ty. Để tránh thiệt thòi cho các công ty trước vấn nạn bỏ việc, các công ty bảo hiểm cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để cùng giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động.
VIỆT CƯỜNG