Đài cơ sở "ngại" tiếp âm

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 14:06, 24/10/2011

Tthực tế hiện nay, một số đài cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp âm đài 3 cấp, đôi khi còn "bỏ" không phát sóng.

Việc tiếp âm chương trình thời sự đài 3 cấp gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Đài Phát thanh huyện lâu nay vẫn được Đài Truyền thanh các xã, thị trấn trong tỉnh duy trì. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số đài cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp âm đài 3 cấp, đôi khi còn "bỏ" không phát sóng. Cá biệt có đài xã chỉ phát thông báo hoặc các văn bản chỉ đạo của địa phương, còn việc tiếp âm đài cấp trên chỉ làm qua quýt, hôm có, hôm không, thậm chí đang tiếp âm vẫn tắt đài giữa chừng... Điều này khiến nhiều người dân vốn là thính giả thường xuyên theo dõi các chương trình thời sự trên sóng phát thanh chán nản.

Hiện nay, ở các vùng nông thôn, hệ thống phát thanh vẫn là phương tiện thông tin phổ thông nhất, giúp người dân dễ tiếp cận, nắm bắt tin tức. Không chỉ kịp thời chuyển tải mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân, các chương trình phát sóng trên hệ thống phát thanh còn phản ánh đa chiều về các vấn đề thời sự nóng hổi ở cả trong, ngoài nước và ở mỗi địa phương, giúp cho người dân kịp thời nắm vững thông tin biến động của tự nhiên, thị trường... từ đó định hướng tư tưởng, thực hiện hành vi đúng đắn. Chỉ đơn giản như các công văn thông báo, hướng dẫn của UBND tỉnh, huyện và ngành chuyên môn về việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa, hay việc chỉ đạo công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc gia cầm... được chuyển tải trên hệ thống phát thanh sẽ đem lại tác dụng tốt. Nếu như đài cơ sở không tiếp âm, hoặc tiếp âm không đầy đủ thì đồng nghĩa với việc nhân dân không thể nắm được thông tin chỉ đạo, hướng dẫn và cũng không thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo.

Thời gian qua, tỉnh ta đã thường xuyên đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị máy móc cho đài truyền thanh cơ sở để đáp ứng tốt nhu cầu thông tin trong thời kỳ mới. Trong đó, có nhiều xã được xây dựng hệ thống truyền thanh không dây hiện đại. Tuy nhiên, việc tiếp âm đài cấp trên, khai thác, sử dụng hệ thống truyền thanh vẫn chưa được một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở quan tâm, còn buông lỏng quản lý dẫn tới hiệu quả không cao.

Trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thanh cơ sở, trong đó cần duy trì đều đặn việc tiếp âm đài cấp trên. Tăng cường đầu tư trang thiết bị máy móc, quan tâm đến đội ngũ làm công tác truyền thanh, xây dựng quy định về việc trực mở máy tiếp âm theo đúng thời gian quy định... Có như thế mới phát huy được hiệu quả của công tác truyền thanh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

AN THANH(Tứ Kỳ)