Quan tâm tái cấu trúc bộ máy Nhà nước
Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 28/10/2011
Cần phải cấu trúc lại hệ thống thang bảng lương với khu vực hành hính sự nghiệp và các cơ quan Đảng, đoàn thể...
Tái cấu trúc nền kinh tế không phải là vấn đề mới vì Chính phủ và nhiều đại biểu Quốc hội khóa XII đã đề cập khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế cần phải chớp thời cơ. Chúng ta nói sớm, nhưng làm muộn và có thể lúc đó chưa hình dung rõ nét. Nay điều đó được cụ thể hóa một bước, nhưng theo tôi vẫn chưa đồng bộ và cần tập trung làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Nói chưa đồng bộ vì Chính phủ mới hướng vào tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Tôi đề nghị bổ sung là tái cấu trúc bộ máy Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, tái cấu trúc lại hệ thống thang bảng lương, cần phải tái cấu trúc bộ máy Nhà nước vì mấy năm gần đây chúng ta có nhập một số bộ, ban nhưng lại phình ra các tổng cục, các cục, vụ, viện, nhiều bộ thì vẫn còn 9, 10 thứ trưởng, các cục, vụ thì quá nhiều hàm vụ trưởng, hàm vụ phó, vụ trưởng, vụ phó, làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, quản lý chồng chéo, có biểu hiện dựa dẫm, đùn đẩy. Ở các địa phương cũng tương tự như vậy, biên chế tăng nhiều nhưng không mạnh làm tăng gánh nặng của ngân sách trong chi trả lương bổng, xe cộ. Cần phải tái cấu trúc hệ thống trường đại học, cao đẳng, dạy nghề vì có như vậy mới tập trung được nguồn lực con người và tài chính để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tình trạng "loạn" kỹ sư, cử nhân chất lượng kém dẫn đến việc con cái lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lao ra nước ngoài để học, ít cháu muốn học trong nước dù phải mang tiền đồng đổi lấy đôla để nộp học phí du học.
Cần phải cấu trúc lại hệ thống thang bảng lương với khu vực hành hính sự nghiệp và các cơ quan Đảng, đoàn thể. Thống nhất chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, phường và cán bộ thôn, bản vì hiện nay thang bảng lương cũ đã có phần lạc hậu. Chế độ lương và phụ cấp thấp đã không khuyến khích được cán bộ toàn tâm, tận lực với công việc và vô tình tạo nên tâm lý chọn chỗ, chạy việc để có được thu nhập cao hơn.
Tái cấu trúc có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nhóm đối tượng, nhiều bộ, ngành, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao ở các cấp lãnh đạo, thậm chí cần có một nghị quyết của Quốc hội về việc tái cấu trúc và phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt thì mới thực hiện được. Chẳng hạn như việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhà nước những năm gần đây đã chững lại, vốn ngân sách bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả thấp. Chủ sở hữu là Nhà nước nhưng cơ quan quản lý nguồn vốn thì không rõ ràng, khi sản xuất, kinh doanh có lãi thì một bộ phận được hưởng, khi lỗ thì Nhà nước lại chịu. Nếu không cổ phần hóa nhanh, vốn Nhà nước sẽ ngày càng thất thoát, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô của nền kinh tế.