Cậu học trò 16 tuổi sáng chế máy vớt rác

Việc tử tế - Ngày đăng : 13:52, 30/10/2011

Chiếc máy vớt rác của Đào Vạn Quang, trường THPT Phan Chu Trinh (TP Đà Nẵng) vừa đoạt được giải 3 cuộc thi sáng tạo toàn quốc dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Máy dọn rác thải trên mặt nước - Ảnh Chinhphu.vn

Đào Vạn Quang học sinh lớp 10/17TN, trường THPT Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng chia sẻ, mặc dù Đà Nẵng được xem là thành phố sạch của Việt Nam, người dân nơi đây rất tự hào về môi trường của thành phố. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, do tốc độ đô thị hóa, cộng với lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày một nhiều cho nên môi trường vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Từ tình yêu môi trường

Đây chính là vấn đề mà Quang đã quan tâm từ rất lâu. “Trên thực tế, em đã tham gia các hoạt động như dọn rác thải trên bãi biển, vệ sinh khu phố… với mong muốn góp một phần nhỏ sức mình vào việc tuyên truyền thông điệp “bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, trước đây, Quang chưa từng nghĩ đến việc sáng tạo ra một sản phẩm nào đó để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Rồi ý tưởng về “máy dọn rác thải trên mặt nước” đến với em một cách rất tình cờ.



Đào Vạn Quang mong muốn có điều kiện để nâng cấp máy hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh Chinhphu.vn

Động lực trực tiếp nhất là những lần chứng kiến tận mắt thực trạng rác thải và những hậu quả nặng nề của nó đối với môi trường. Vấn nạn vứt rác bừa bãi trên ao hồ, sông biển diễn ra tràn lan, mà công nhân vệ sinh chỉ dọn được rác ở ven bờ còn những rác thải ở giữa hồ thì không thể nào vớt được.

Khi nêu ý tưởng của mình, Quang đã được sự động viên từ gia đình và thầy cô… Nhưng do bận kì thi chuyển cấp nên Quang đành gác ý tưởng của mình thêm thời gian nữa. Sau khi công việc học hành đã ổn định, cậu học sinh lớp 10 này quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện ý tưởng của mình.

Chiếc máy hoạt động trên nguyên lý tạo lực hút li tâm để đưa nước và  rác vào trong khoang chứa nhờ vào hệ thống xoắn ốc. Theo nguyên lý này rác sẽ được giữ lại ở khoang chứa đồng thời nước sẽ được đẩy ra sau máy.

Máy gồm khối khởi tạo, khối điều khiển, nguồn, khối tạo lực hút, khối di chuyển, khoang chứa rác.  

Để di chuyển, “Máy dọn rác thải trên mặt nước” sử dụng một máy hút nước từ phía dưới, đẩy nước ra sau tạo thành một lực đủ lớn để đưa thuyền di chuyển. Tuy nhiên, sau khi nhiều lần chạy thử, bộ phận này hoạt động chưa đạt mong muốn. Do đó, Quang đã thay đổi phương án di chuyển bằng cách gắn vào 2 bên máy 2 quạt nước 6 cánh.

Quang chia sẻ: “khó khăn thì nhiều, nhất là về những kiến thức về cơ khí, vi mạch điện tử còn hạn chế nên em thường xuyên phải học hỏi, trao đổi với các bác các chú giỏi về công nghệ này. Nhiều khi, máy làm xong, rồi lại tháo ra, nghiên cứu lại từ đầu. Công việc khá là căng thẳng và vất vả nên có thời gian, vài tuần liền Quang không tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè để tập trung hoàn thành ý tưởng của mình”.

“Có ai cùng em hoàn thành công trình này” - Quang bẽn lẽn cười, đưa mắt nhìn về phía ba mẹ trả lời tôi: “Ba mẹ ủng hộ em lắm, gia đình em không có nhiều điều kiện về vật chất nên cũng chỉ giúp được một phần tài chính. Ba em là thương binh, sức khỏe không tốt lắm nhưng vẫn thường xuyên cùng tham gia, giúp đỡ, cho em thêm ý kiến để em làm tốt hơn. Bên cạnh đó, nhờ Quỹ Hồ Nghinh hỗ trợ 2,5 triệu đồng, em đã có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”.

… đến niềm đam sáng chế

Ảnh Chinhphu.vn

Được biết, tổng chi phí nghiên cứu và hoàn thiện "Máy dọn rác thải trên mặt nước" của Quang khoảng 7 triệu đồng. Tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng chiếc máy của Quang đã có thể đem vào hoạt động trong thực tế và ứng dụng rộng rãi.

Trên thực tế, máy hoạt động trong vòng 3 giờ đồng hồ, lượng rác không giới hạn (tuỳ vào kích thước của bao đựng rác mình lắp vào). Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ về nguồn kinh phí, Quang sẽ có điều kiện để nâng cấp thì máy sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Đây cũng là điều mà Quang còn trăn trở và đang cố gắng hoàn thành trong thời gian tốt nhất ý tưởng của mình.

Cụ thể là, cần đầu tư gia công chính xác nhất bộ xoắn ốc và các chi tiết bên ngoài được gia công (vẫn còn sai số). Tiếp theo là sẽ lắp đặt pin năng lượng mặt trời để nạp vào ắc-qui khi chạy. Như vậy, máy có thể hoạt động tốt cả ngày mà không cần tháo ắc-qui để nạp điện. Trong tương lai gần, Quang hi vọng “máy dọn rác thải trên mặt nước” có thể từng bước tiến đến tự động hoá.

Được biết, cậu học trò nhỏ này thường dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi và nghiên cứu những môn tự nhiên, trong đó có hai môn toán, lí. Tuy nhiên, không chỉ biết tới học, cậu bé lớp 10 này còn có một cuộc sống đa màu sắc của mình bằng việc tham gia những hoạt động xã hội như các câu lạc bộ tình nguyện viên bảo vệ môi trường. Hiện tại em đang là thành viên của CLB sáng tạo trẻ của TP Đà Nẵng.

Quang nói thêm rằng: trong thời gian tới, em sẽ bắt tay vào nghiên cứu chiếc nồi nấu cơm dành cho các chiến sĩ bộ đội vùng sâu vùng xa, hải đảo không có điện để vừa có thể giúp các chiến sĩ bớt phần vất vả trong cuộc sống, vừa giúp bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.

Sao Chi (Chinhphu)