Chính phủ bác đề xuất đổi giờ của Bộ Giao thông
Tin tức - Ngày đăng : 06:00, 05/11/2011
Chiều 4-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ Giao thông. Tuy nhiên, việc chống ùn tắc trên địa bàn Thủ đô trước hết thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Hà Nội. Vì vậy, Bộ Giao thông cần làm việc với Hà Nội để thống nhất phương án trình Chính phủ.
Xung quanh đề án đổi giờ làm việc, giờ học để tránh ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô do Bộ Giao thông trình Chính phủ, chiều 4-11, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ GTVT và đã tiến hành xử lý, báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, vấn đề an toàn giao thông nói chung, trong đó có ùn tắc giao thông, là nội dung được Chính phủ tập trung chỉ đạo nhiều năm nay. Trước kia, Chủ tịch UBATGTQG thường là Bộ trưởng Bộ GTVT thì tới nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã yêu cầu nâng cấp lên, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp làm Chủ tịch UBATGT QG.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đến nay tất cả các giải pháp về đảm bảo ATGT nói chung và chống ùn tắc đều đã được bàn. Việc ùn tắc giao thông cơ bản chỉ xảy ra ở một số thành phố lớn, cụ thể là HN, TPHCM. Riêng vấn đề điều chỉnh giờ làm, năm 2003, Hà Nội đã từng triển khai biện pháp này.
Cảnh thường thấy trên đường phố Hà Nội giờ cao điểm
Với đề xuất đổi giờ làm, giờ học do Bộ Giao thông vận tải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội, trong đó có việc chống ùn tắc giao thông trước hết thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND Hà Nội. Vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT làm việc với UBND Hà Nội, trao đổi, thống nhất phương án.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, vì là công việc của Hà Nội nên thành phố phải chủ động vào cuộc, trình các cấp có thẩm quyền của Hà Nội xem xét quyết định. Với các vấn đề thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết.
“Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, kêu gọi nhân dân, trước mắt, trong khi chưa có giải pháp cụ thể thì hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Nếu chỉ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông thì tai nạn giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông cũng đã được giải quyết một phần”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Trước đó, cho rằng có thể hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô bằng biện pháp đổi giờ làm, giờ học, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ 2 phương án. Phương án thứ nhất được đề xuất là: Cán bộ công chức các cơ quan Trung ương thời gian làm việc buổi sáng sẽ bắt đầu từ 9h-12h, chiều từ 13h-18h; CBCC Hà Nội sáng từ 8h30 – 12h, chiều từ 13h-17h30; Học sinh mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h sáng đến 17h30 chiều; Học sinh THPT sáng từ 7h – 11h, chiều từ 12h30-16h30;
Sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h-11h, chiều từ 12h-17h; Sinh viện đại học khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng học từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; các Trung tâm thương mại mở cửa từ 9h30 – 23h.
Phương án thứ 2, các đối tượng cán bộ công chức các cơ quan Trung ương, Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm kinh doanh thương mại giữ nguyên như phương án 1. Riêng đối tượng sinh viên đại học 4 quận nội thành được điều chỉnh như sau: Quận Cầu Giấy và Thanh Xuân sáng từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; Quận Đống Đa và Hai Bà Trưng sáng từ 8h-13h, chiều từ 14h -19h.
Tuy nhiên, không đồng ý với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, ngay sau đó, Hà Nội đã lên tiếng sẽ tự xây dựng đề án riêng để trình Chính phủ phê duyệt. Hiện Hà Nội đã đưa ra 3 phương án và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi hoàn thiện trình Chính phủ. Tuy nhiên, phương án Hà Nội đang xây dựng không có nhiều sự thay đổi. Việc này cũng đã được chính Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định.
Xuân Tùng - Hữu Thọ (VnMe)