Hài kịch lên ngôi
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 09:07, 05/11/2011
Trang phục gây cười, những động tác, lời thoại mộc mạc, hài hước, câu chuyện nhẹ nhàng dí dỏm song lại mang tính giáo dục cao.
Một cảnh trong vở hài kịch “Một phút lên bà”
Trung tâm NT&TCBD tỉnh hiện có 50 cán bộ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn và tổ chức biểu diễn. Tiền thân của đơn vị là Đoàn Kịch nói Hải Hưng được thành lập từ năm 1978 từng chiếm được sự mến mộ của khán giả. Những vở “Bỉ vỏ”, “Đạo học”, “Giải tỏa" có sức sống cho đến ngày nay. Mặc dù có những thành tựu, song đã qua rồi giai đoạn người xem đổ xô đến rạp mỗi khi một vở diễn sân khấu mới "trình làng". Giờ đây, nhiều vở diễn được dàn dựng công phu cả năm, song đến khi công diễn lại không có khán giả. Do đó, các đoàn nghệ thuật muốn tồn tại phải tự đổi mới. Năm 2000, Trung tâm NT&TCBD tỉnh đã đưa hài kịch lên sân khấu. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm NT&TCBD tỉnh cho biết: Đối với chính kịch, cần có sân khấu, phục trang hoành tráng, lượng diễn viên đông, khán giả phải có kiến thức thưởng thức nghệ thuật. Trong khi đó, sân khấu hài kịch phục trang đơn giản, lượng diễn viên ít, thời lượng vở diễn ngắn, phù hợp với nhiều đối tượng xem. Hài kịch dùng tiếng cười để giải trí nên dễ chuyển tải các thông điệp. Lần lượt "Gậy ông lại đập lưng ông", "Tiền của ai"... cùng những tiểu phẩm hài dí dỏm khác được lên sân khấu. Hướng đi đúng đã làm cho lượng khán giả đến với các buổi biểu diễn của trung tâm không ngừng tăng lên. Các tiết mục hài kịch trong các chương trình biểu diễn có bán vé được khán giả quan tâm, khen ngợi. Hằng năm, trung tâm đưa các tiết mục hài biểu diễn 15-20 buổi phục vụ nhân dân các dịp kỷ niệm, ngày lễ, Tết, nhân dân các xã miền núi Chí Linh, Kinh Môn. Ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị và bà con trong tỉnh, trung tâm còn tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, doanh thu từ 500-600 triệu đồng/năm. Mỗi năm, trung tâm dàn dựng từ 3-5 vở hài kịch. Kịch bản được lựa chọn kỹ lưỡng, chủ yếu của các cây bút tên tuổi như đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng, Hồ Thi... Nội dung tập trung vào những vấn đề thời sự nóng hổi được xã hội quan tâm, ca ngợi những tấm gương người tốt, việc tốt, phê phán các thói hư, tật xấu. Những vở diễn đã dàn dựng luôn được cải tiến cho phù hợp với sự thay đổi của cuộc sống. Để nâng cao chất lượng toàn diện, đội ngũ diễn viên hài được quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Việc tìm tòi, đào tạo, phát hiện những tài năng trẻ cho sân khấu hài được đặc biệt quan tâm. Do đó, các tiết mục hài được đánh giá thuộc tốp đầu trên sân khấu hài cả nước.10 năm qua, trung tâm đã dàn dựng khoảng 25 vở hài kịch với thời lượng trung bình từ 15-25 phút. Nhiều vở đã dàn dựng hàng chục năm, song vẫn được khán giả yêu thích như "Gậy ông lại đập lưng ông". Vở “Qua sông” phê phán thói ghen tuông thái quá trong quan hệ gia đình; “Giàu giả, nghèo thật” phê phán những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới; “Một phút lên bà” phê phán quan hệ phức tạp của nghề ô sin trong xã hội hiện đại; “Mừng thọ” phê phán sự lợi dụng chuyện mừng thọ để trục lợi. Đặc biệt chùm hài kịch “Sự đời” gồm 4 vở tham gia Liên hoan Sân khấu hài phía Bắc được tổ chức tháng 8 vừa qua tại tỉnh Quảng Ninh đã giành 2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc. Tác phẩm còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đến nay, chùm hài kịch này được công diễn hơn 30 buổi phục vụ hàng chục nghìn nhân dân trong, ngoài tỉnh. Sau khi xem biểu diễn tại Nhà hát Nhân dân (TP Hải Dương), một khán giả cho biết: “Lúc đầu tôi hơi nghi ngờ về sân khấu hài tỉnh nhà, nhưng với “Sự đời” tôi thực sự bất ngờ và thích thú”.
Trong bối cảnh ảm đạm của sân khấu thì chọn hướng đi mới để tìm được khán giả là cần thiết. Sân khấu hài tỉnh nhà lên ngôi là tín hiệu đáng mừng, minh chứng sức sống của nghệ thuật.
NGỌC HÙNG