“Thời” của lao động phổ thông

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:15, 07/11/2011

Với sự phát triển kinh tế đa dạng, nhiều thành phần đã mở ra hướng giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lực lượng lớn là LĐPT...



Những lao động phổ thông sau khi được tuyển dụng vào
Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam  sẽ được đào tạo


Nhiều năm trước, lao động phổ thông (LĐPT) luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Những năm gần đây, kinh tế tỉnh ta có bước phát triển mạnh. Năm 1995, toàn tỉnh mới có trên 300 doanh nghiệp thì đến hết tháng 9 - 2011 đã có gần 5.670 doanh nghiệp, với đủ loại hình, thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, trong đó số lượng lớn là LĐPT. Cách thức tìm kiếm thông tin việc làm cũng đa dạng hơn. LĐPT có thể tìm kiếm thông tin việc làm qua mạng in-tơ-nét, báo chí, các trung tâm giới thiệu việc làm... LĐPT có thể tự tạo việc làm bằng cách tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ; xin việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ; hoặc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)...

Hiện nay, nhiều LĐPT đã quen dần với hình thức  tìm việc qua sàn giao dịch và các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức. Các phiên giao dịch việc làm ngày càng thu hút người lao động đến tìm việc. Chúng tôi đã có mặt tại nhiều phiên giao dịch việc làm và sàn giao dịch lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh do trung tâm tổ chức. Qua trao đổi với các doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm, mới thấy nhu cầu tuyển dụng LĐPT khá lớn. Tại sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại Ninh Giang ngày 11 - 9 vừa qua, có 23 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyển 3.735 lao động, trong đó có 3.673 LĐPT. Còn tại phiên giao dịch kỳ 1 - 9, có 23 doanh nghiệp cần tuyển 1.213 lao động, trong đó có đến 1.135 LĐPT. Hoặc ngày 22 - 10, trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trường Cao đẳng Hải Dương cũng thu hút hơn 20 doanh nghiệp tham gia và có nhu cầu tuyển dụng 1.089 lao động, trong đó có 1.010 LĐPT... Chị Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là LĐPT của các doanh nghiệp rất lớn. Họ luôn thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng LĐPT. Tiêu chí tuyển dụng LĐPT không quá khắt khe. Chỉ cần người lao động đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe và một số tiêu chí khác là được, họ không quan tâm nhiều đến người lao động có tay nghề hay không. Vì khi được tuyển dụng vào doanh nghiệp, người lao động sẽ được đào tạo, thậm chí người lao động có nghề rồi nhưng khi trúng tuyển vào làm việc vẫn phải qua thời gian đào tạo. Vì vậy LĐPT rất dễ tìm kiếm được việc làm.

Các doanh nghiệp phải áp dụng nhiều hình thức để tuyển dụng lao động. Ngoài treo biển, bảng về tuyển dụng lao động tại trụ sở, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng các biện pháp khác như tham gia các phiên giao dịch việc làm, tổ chức về các địa phương trong tỉnh để tuyển dụng; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng in-tơ-nét, thậm chí thông qua các lao động đang làm ở công ty để giới thiệu cho người thân, gia đình, bạn bè. Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam có 4 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy tại khu công nghiệp Đại An với tổng số hơn 9.500 lao động và một nhà máy ở Ninh Giang vừa mới đi vào hoạt động sản xuất. Nhà máy mới có quy mô 3.000 lao động nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng 1000 lao động, cần tuyển khoảng 2.000 lao động nữa, trong đó 85% là LĐPT. Ông Vũ Ngọc Linh, Giám đốc Nhân sự công ty cho biết: "Trước đây do chưa có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư ở Hải Dương, công ty chỉ cần thông báo tuyển dụng ngay tại cổng công ty cũng có nhiều lao động đến xin việc. Nhưng hiện nay, với sự cạnh tranh LĐPT ngày càng quyết liệt giữa các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động, công ty phải áp dụng nhiều biện pháp để tuyển dụng. Không chỉ tuyển dụng lao động trong tỉnh, công ty còn phải mở rộng tuyển dụng lao động từ các tỉnh khác". Công ty TNHH Mascot Việt Nam ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) có 2.000 lao động, trong đó phần lớn là LĐPT. Tháng nào công ty cũng tuyển khoảng 100 lao động, trong đó có cả những LĐPT chưa có nghề, hoặc chưa qua đào tạo nghề. Đối với những lao động chưa có nghề, sẽ được công ty đào tạo từ 1 đến 2 tháng. Sau khi qua đào tạo và thử việc, công nhân sẽ được bố trí làm việc trong các dây chuyền sản xuất của công ty.

Ngoài xin việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, LĐPT còn nhiều lựa chọn khác, trong đó có đi XKLĐ. Những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ trước, việc tuyển dụng lao động đi XKLĐ rất khắt khe, phải là những người có trình độ tay nghề, thợ giỏi, thợ lành nghề, thợ bậc cao mới được tuyển dụng để đưa đi xuất khẩu. Từ những năm 2000 trở lại đây, việc XKLĐ đã trở nên thông thoáng, thị trường lao động các nước ngày càng nhiều, đối tượng tuyển dụng đa dạng. Đặc biệt, từ khi Nhà nước ta coi XKLĐ như là một kênh giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cũng mở ra cho LĐPT một hướng tạo việc làm mới. LĐPT khi XKLĐ có thể làm nhiều việc khác nhau từ giúp việc gia đình; làm trong các công xưởng, nhà máy; làm việc tự do... Và kênh này đang được nhiều LĐPT trong tỉnh ta lựa chọn. Mỗi năm, tỉnh ta XKLĐ được khoảng 3.000 người, trong số đó LĐPT chiếm tỷ lệ không nhỏ. 

Với sự phát triển kinh tế đa dạng, nhiều thành phần đã mở ra hướng  giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lực lượng lớn là LĐPT, góp phần giải quyết tình trạng dư thừa lao động và giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh.

BÀNH CHÂU