Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 07:10, 12/11/2011
Thắt chặt đầu tư công khiến nhiều công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Dự án cải tạo, sửa chữa Bệnh viện Nhi mặc dù đã được UBND tỉnh
bố trí kinh phí đầu tư nhưng vẫn chưa thể thực hiện
Theo đại diện lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh, khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ là phải tạm dừng giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với các dự án, công trình khởi công mới. Do đó, đã tác động rất lớn đến tiến độ thực hiện công tác đầu tư XDCB từ đầu năm đến nay. Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn khác trong toàn tỉnh là hơn 1.650 tỷ đồng, trong đó tổng khối lượng thực hiện gần 1.650 tỷ đồng, tổng số vốn đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng, đạt hơn 70% kế hoạch vốn thanh toán. Khó khăn lớn nhất hiện nằm trong nhóm các công trình thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới như xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, trường chuẩn quốc gia, kiên cố hoá trường lớp học, nhóm công trình đường liên xã, thôn, công trình phục vụ sản xuất, an sinh xã hội. Vì đây hầu hết đều là những công trình cấp bách, phục vụ đời sống, an sinh xã hội nên cần được đầu tư. Cùng với đó, các công trình thuộc nguồn vốn huyện, xã thực hiện trong năm 2011 đã bố trí kế hoạch vốn, đã và đang chuẩn bị khởi công; các công trình cải tạo sửa chữa nâng cấp để nâng cao năng lực, chống xuống cấp đã được khởi công... cũng không thể giải ngân được vốn gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu. Từ cuối tháng 3, khi Nghị quyết 11 mới được triển khai, các công trình khởi công mới sau thời điểm này không thể giải ngân được, trong khi đó đây lại là năm đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành chương trình này nên đã dành nguồn lực đầu tư từ ngân sách khá lớn. Vì vậy để tháo gỡ khó khăn, ngày 6 - 6 - 2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1639 về việc giãn tiến độ và điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2011. Ngày 9 - 8 - 2011, UBND tỉnh tiếp tục có công văn số 1373 về việc thanh toán vốn đầu tư năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết 11. Công văn đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc trong việc giải ngân vốn các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Quyết định 1639 của UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã nhận được nhiều ý kiến chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giải trình 12 dự án được UBND tỉnh phân bổ từ nguồn vốn Trung ương và 1 dự án được UBND tỉnh phân bổ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đây là những dự án thuộc danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí sai đối tượng, không thuộc đối tượng được khởi công mới, yêu cầu thu hồi vốn. Trong khi đó, các dự án này đã được UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân theo kế hoạch vốn được phân bổ. Vì vậy, một số dự án nằm ngoài danh mục của Quyết định 1639 của UBND tỉnh hiện đã triển khai thi công nhưng không giải ngân được vốn như dự án cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn các xã Quang Trung, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), Nghĩa An (Ninh Giang), dự án xây dựng nhà điều trị ung thư, lao phổi Hải Dương, dự án cải tạo, sửa chữa Bệnh viện Nhi Hải Dương, dự án đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Vì vậy, để giải quyết những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh sớm đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ thống nhất danh mục dự án được khởi công mới trong năm 2011, cho phép thanh toán đối với các công trình đã có khối lượng nhưng hiện phải tạm dừng thi công, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, công trình phục vụ an sinh xã hội, công trình cấp bách, phòng, chống lụt, bão, an ninh - quốc phòng, công trình thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường chuẩn quốc gia...
HV