APEC 19 góp phần phục hồi kinh tế thế giới

Tin tức - Ngày đăng : 10:51, 13/11/2011

Ngày 12-11, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị APEC 19, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm Đông - Tây.

Trung tâmĐông - Tây là một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách lớn nhất của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Sebastián Pinera Echenique tại lễ ký hiệp định - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao Việt Nam phát biểu tại trung tâm này.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh chính sách tăng cường hợp tác với châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tôi tin tưởng APEC 19 dưới sự chủ trì của Tổng thống Obama sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới hiện nay, để khu vực này tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn cầu một cách mạnh mẽ”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia tiến trình hội nghị APEC.

“Việt Nam chúng tôi gọi là biển Đông”

Trả lời câu hỏi liên quan đến chủ đề biển Đông, đề cập cách gọi khác nhau về khu vực này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Việt Nam chúng tôi gọi là biển Đông”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng: “Bất cứ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ cũng đều có ý thức đầy đủ về việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của mình. Tôi nghĩ rằng Việt Nam nói riêng cũng như các thành viên trong ASEAN đều có suy nghĩ như vậy và bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng suy nghĩ như vậy”. Chủ tịch nước cũng đã thông báo chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

Chủ tịch nước nhấn mạnh cùng với cộng đồng quốc tế và khu vực, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia, trong phạm vi khả năng của mình, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, chống bệnh dịch, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cứu hộ cứu nạn trên biển, an toàn an ninh biển...

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2011. Tại đây, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam tích cực tham gia đàm phán và bảo đảm sẽ làm một đối tác hết sức tích cực để sớm hiện thực hóa Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai gần. TPP là một trong những vấn đề sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp cao APEC diễn ra ngày 13-11.

Chủ tịch nước đã dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ, tiếp chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ và gặp gỡ lãnh đạo một số tập đoàn lớn thuộc các nền kinh tế APEC. Chủ tịch nước đã trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi và sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ về các chính sách thương mại, đầu tư, thuế, sở hữu trí tuệ, truyền thông... Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài như công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng...

Các doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời về quan hệ Việt - Mỹ

Tại Trung tâm Đông - Tây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề cập quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ và trả lời một số câu hỏi có liên quan. Chủ tịch nước nói: “Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ, xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ cả trên bình diện song phương và đa phương. Tại hội nghị APEC lần này, tôi đã và sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Mỹ về việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai đất nước chúng ta, nhất là tiếp tục nỗ lực nâng cao quan hệ hợp tác lên tầm cao mới trong giai đoạn tới.

Hiện nay Việt Nam và Mỹ có quan hệ về an ninh, quốc phòng. Mối quan hệ giữa hai nước đã không ngừng phát triển trong thời gian qua, đầu tiên quan hệ về kinh tế, thương mại là chủ yếu, dần sang các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế rồi quốc phòng, an ninh... Và không thể không kể đến là quan hệ về chính trị, ngoại giao. Tôi nghĩ rằng đây là những quan hệ mang tính chất hết sức bình thường giữa quốc gia này với quốc gia khác”.

Việt Nam và Chile ký Hiệp định thương mại tự do

Ngày 12-11 tại Hawaii, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Sebastián Pinera Echenique đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile. Hiệp định bao gồm nhiều lĩnh vực như: tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm dịch, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, hợp tác và phòng vệ thương mại.

Điều khoản cuối cùng của hiệp định có quy định việc đàm phán trong tương lai về các vấn đề liên quan tới dịch vụ và thương mại khi hiệp định có hiệu lực sau ba năm. Hiệp định này có lợi cho nền kinh tế hai nước, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và tăng xuất khẩu giữa hai nước, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường khác ở mỗi khu vực. Hiệp định này được áp dụng cho hơn 9.000 sản phẩm, bao gồm nhiều chủng loại hàng hóa thuộc bản cam kết miễn trừ thuế quan.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với việc hiệp định này được ký kết, Việt Nam và Chile hướng tới tăng thương mại hai chiều lên trên 20 lần trong mười năm tới (khoảng 8 tỷ USD). Tổng thống Sebastián Pinera Echenique đánh giá việc ký kết hiệp định là sự kiện có tầm quan trọng trong hợp tác hai bên. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời tổng thống Chile sang thăm Việt Nam và ông Sebastián Pinera Echenique vui vẻ nhận lời mời.

APEC bàn xử lý khủng hoảng toàn cầu

Theo AFP, ngày 12-11 tại Hawaii (Mỹ), dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nhà lãnh đạo APEC đã tập trung thảo luận các giải pháp chống khủng hoảng toàn cầu, bảo vệ khu vực tránh những tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Mỹ nhân cơ hội này để tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với TPP, một khuôn mẫu cho khu vực thương mại APEC mở rộng, có tiềm năng tạo thêm hàng triệu việc làm cho nền kinh tế đang bị trì trệ của nước Mỹ. TPP hiện gồm Chile, New Zealand, Brunei và Singapore - đều là những nền kinh tế tương đối nhỏ. Mỹ, Úc, Malaysia, Việt Nam và Peru đang trong quá trình đàm phán để tham gia.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản cũng tỏ ý quan tâm và sử dụng APEC là nơi gặp gỡ bên lề bàn về cơ hội này, với hi vọng giúp nền kinh tế Nhật vực dậy sau nhiều thảm họa gần đây bằng cách giúp cho hàng xuất khẩu thâm nhập thị trường năng động ở châu Á dễ hơn. Sự tham gia của Nhật vào TPP sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá trị và vai trò của TPP.

AFP cho biết tại hội nghị APEC, Tổng thống Obama cũng sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev về vấn đề hạt nhân Iran. Trước đó cả Bắc Kinh và Matxcơva đều phản đối việc Mỹ kêu gọi thắt chặt cấm vận Tehran sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ra báo cáo khẳng định Iran theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân.


(Nguồn: TT)