Cuối năm gia tăng nợ đọng thuế

Thị trường - Ngày đăng : 07:13, 16/11/2011

Nguyên nhân là do chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đình đốn...


Ngành thuế tích cực thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và tại cơ quan thuế để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm chính sách thuế, hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế


Thời gian qua, ngành thuế tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp chống nợ đọng thuế như: thông báo nhắc nợ, tạm dừng và đình chỉ sử dụng hóa đơn, lập lệnh thu đối với các trường hợp nợ đọng… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng, vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý triệt để.

Theo Cục Thuế tỉnh, cuối năm 2010, các đơn vị nợ đọng ngân sách nhà nước hơn 250 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu. 10 tháng đầu năm nay, toàn ngành đã thu khoảng 200 tỷ đồng, tương đương 80% số nợ đọng. Nhưng đến tháng 10 - 2011, tổng số nợ đọng phát sinh đã lên tới hơn 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,5% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương nợ hơn 56 tỷ đồng, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương hơn 17 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn 31 tỷ đồng và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh hơn 220 tỷ đồng.

Theo bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, nguyên nhân nợ đọng thuế gia tăng là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới từ cuối năm 2008, tình hình lạm phát trong nước kéo dài, chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do vướng mắc về chính sách chuyển đổi doanh nghiệp, cổ phần hóa nên số nợ “treo” không những không được xóa mà còn phát sinh do nợ tiền phạt nộp chậm. Trong đó, đáng chú ý là Công ty CP Nguyên liệu Viglacera Hải Dương từ năm 2001 đến nay nợ hơn 2 tỷ đồng, trong đó hơn 1,7 tỷ đồng tiền thuế, còn lại là phạt nộp chậm. Chi nhánh Công ty CP Viglacera Hà Nội - Nhà máy gạch ốp lát Hải Dương từ năm 2002 đến nay cũng nợ hơn 16 tỷ đồng, trong đó tiền thuế hơn 11 tỷ đồng và tiền phạt nộp chậm hơn 4,6 tỷ đồng… Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp cũng có “thâm niên” nợ đọng thuế như Nhà khách Liên đoàn Lao động tỉnh (hơn 700 triệu đồng), Công ty THHH Côn Sơn (hơn 231 triệu đồng)… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được thanh toán, còn nợ đọng thuế nhưng không đủ thủ tục để gia hạn, tài chính gặp khó khăn như Công ty Liên doanh Công trình Hữu Nghị nợ hơn 2,4 tỷ đồng từ năm 2007… Bên cạnh các doanh nghiệp nợ kéo dài, thì hiện có không ít doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… khiến cơ quan thuế khó đòi, làm cho tình trạng nợ đọng thuế càng trở nên căng thẳng hơn. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark, từ tháng 5 - 2010 đến nay đã ngừng hoạt động và để  lại khoản nợ thuế của 25 nhà thầu với số tiền hơn 22 tỷ đồng, trong đó hơn 18 tỷ đồng tiền thuế và hơn 4 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm…

Ngoài nguyên nhân khách quan thì ý thức của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn là chủ yếu. Qua kiểm tra, thanh tra của ngành thuế có không ít doanh nghiệp có ý đồ trục lợi, bởi hiện tại mức xử phạt nộp chậm của ngành thuế thấp hơn rất nhiều so với lãi suất vốn vay của  ngân hàng… Bên cạnh đó, một số đơn vị, cán bộ thuế cũng chưa tích cực đôn đốc thu nộp thuế và công tác thu nợ cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng nhưng khi thực hiện quyết định cưỡng chế thu tiền qua tài khoản của các đơn vị nợ đọng nhiều trường hợp tài khoản không có tiền. Biện pháp cưỡng chế tài sản khó khăn và tốn nhiều thời gian, vì cần phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức khác như: tài chính, Kho bạc Nhà nước, công an, chính quyền địa phương... Cưỡng chế tài sản cần có các thủ tục như kê biên, định giá tài sản, bảo quản, đấu giá thanh lý... Chưa kể đến việc khi định giá tài sản xong, chờ thanh lý thì tài sản đã hư hỏng, mất giá. Trước đây, đối với những doanh nghiệp chậm nộp thuế hoặc cố tình chây ỳ, ngành thuế sẽ dùng biện pháp tạm dừng việc bán hóa đơn và đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp được tự in hoặc đặt in hóa đơn nên công tác xử lý nợ thuế khó khăn hơn.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2011, ngành thuế phải giảm số nợ đọng thuế về dưới mức 4% tổng thu ngân sách theo quy định. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi thực tế nền kinh tế vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, phải có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong xử lý nợ đọng thuế. Ngành thuế cần tăng cường rà soát, xác minh cụ thể thông tin các doanh nghiệp nợ đọng thuế, chủ động ngăn chặn tình trạng nợ mới phát sinh. Tạo điều kiện cho những doanh nghiệp khó khăn, buộc phải nợ thuế để tháo gỡ khó khăn, tìm cơ hội phát triển ổn định, bền vững…

HÀ VY