Kinh doanh nhiều ngành, làm nhiều việc thiện

Việc tử tế - Ngày đăng : 07:47, 17/11/2011

Ông Trần Phong không chỉ nổi tiếng là người đi lên từ nghèo khó, mà còn là một điển hình trong hoạt động nhân đạo, từ thiện.



Doanh nhân Trần Phong luôn tích cực làm việc thiện


Ở huyện Tứ Kỳ, nhiều người biết tiếng doanh nhân Trần Phong. Ông không chỉ nổi tiếng là người đi lên từ nghèo khó, mà còn là một điển hình trong hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thị trấn Tứ Kỳ. Năm 1985, ông Trần Phong nhập ngũ. Hết nghĩa vụ quân sự ông xin về trường THPT Tứ Kỳ làm nhân viên bảo vệ. Năm 1991, nghỉ chế độ, ông tìm cách làm giàu bằng việc mở đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, do ít kinh nghiệm, việc kinh doanh buôn bán thua lỗ, ông rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần, bán hết tài sản, đất cát, cả gia đình phải đi ở nhờ. Năm 1997, ông đã tham gia học Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 2001, ra trường, ông tiếp tục vay vốn đầu tư kinh doanh, buôn bán các loại vật tư nông nghiệp. Công việc kinh doanh có hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng bán buôn, bán lẻ vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện. Năm 2003, được UBND huyện cho phép, ông cùng một người bạn thân chung vốn đầu tư 9 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non chất lượng cao Hoa Sữa (trường mầm non tư thục đầu tiên trong huyện). Đến năm 2007, ông tiếp tục đầu tư 17 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Dịch vụ - Thương mại 19-8; đồng thời cùng lúc tham gia thành lập Công ty CP Thương mại Vạn Lộc (Tứ Kỳ) và Công ty Đầu tư phát triển Hà Dương (Hà Nội) chuyên về lĩnh vực buôn bán bất động sản, xây dựng chung cư, buôn bán ô-tô và các thiết bị vật tư nông, công nghiệp. Mặc dù kinh doanh nhiều lĩnh vực, song do luôn chủ động, nhanh nhạy nên hiệu quả đầu tư luôn đạt cao.

Hiện tại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do ông Phong làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đang tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động với mức thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ông luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động. Ông còn rất tích cực tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo do địa phương phát động. Từ năm 2007 đến nay, năm nào ông cũng tặng 50 suất quà Tết (mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng) cho các hộ nghèo, người già cô đơn trong huyện; năm học 2009-2010 và 2010-2011, ông đã hỗ trợ 170 triệu đồng tiền học phí cho  các em học sinh mầm non thuộc hộ nghèo. Hằng năm, ông dành hàng chục triệu đồng cho hoạt động chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; tài trợ các giải thi đấu thể thao... Ông Phong tâm sự: Tôi đã từng trải qua cái nghèo, từng nếm trải biết bao khó khăn, vì thế tôi thấu hiểu được nỗi khổ của người nghèo, muốn góp một chút sức mình cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi nào còn điều kiện là khi đó tôi sẽ còn giúp đỡ, ủng hộ cho những người nghèo vơi bớt khó khăn...

Được biết, ông Phong đang ấp ủ dự định dành nhiều thời gian, kinh phí cho việc chăm sóc người già cô đơn, trẻ em khuyết tật.

TIẾN MẠNH