Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 18/11/2011

Trong thời kỳ mới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước...


Các tổ chức thành viên MTTQ góp ý kiến vào đề án “Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011-2015”. Ảnh tư liệu

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo. Trải qua 81 năm (18-11-1930 - 18-11-2011), MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, động viên tinh thần yêu nước của mọi người dân, đoàn kết đánh đuổi thực dân, phong kiến, đế quốc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong thời kỳ mới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH).

MTTQ các cấp đã làm tốt công tác giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Trong đó tập trung giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách công tác bầu cử; khâu giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; việc lập, niêm yết danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp và lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội tham gia hoạt động giám sát của HĐND cùng cấp, nêu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền giải thích, trả lời. Nhiệm kỳ 2004-2011, qua các hội nghị tiếp xúc cử tri đã có trên 124 nghìn lượt ý kiến được MTTQ tổng hợp thông báo tại kỳ họp HĐND và gửi tới các cơ quan chức năng yêu cầu trả lời, đồng thời lựa chọn một số vấn đề bức xúc thực hiện chất vấn tại kỳ họp HĐND các cấp. Có trên 7.500 vấn đề, vụ việc cử tri nêu được chính quyền các cấp và các cơ quan nhà nước  tiếp thu trả lời. MTTQ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân giám sát việc thực thi pháp luật trong quản lý, giáo dục người chấp hành hình phạt tù. Công tác giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ) cũng được phát huy tốt. Trong 5 năm qua, ban TTND các cấp đã kịp thời phát hiện và kiến nghị với chính quyền trên 20 nghìn vụ việc, được chính quyền các cấp giải quyết trên 18 nghìn vụ việc (đạt trên 88%).

Trong lĩnh vực phản biện xã hội, nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ đã tổ chức 452 hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp với hơn 6.400 lượt ý kiến, tổ chức 234 hội nghị tham gia góp ý kiến vào 12 dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua với trên 2.100 ý kiến. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức 5 hội nghị tham gia góp ý vào các dự thảo cơ chế, chính sách trước khi HĐND tỉnh quyết định... Các hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tiến hành phản biện xã hội đối với 3 dự thảo về cơ chế, chính sách do HĐND và UBND tỉnh quyết định, 5 đề án, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.


Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân thôn Trung Tâm, xã Hoàng Tiến (Chí Linh)

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Phát huy vai trò GS&PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh. Thường xuyên làm tốt việc tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, đồng thời giám sát chặt chẽ các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND, phát hiện và kiến nghị kịp thời những vi phạm pháp luật, các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, thủ tục hành chính, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường... Kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý những sai phạm trong việc xây dựng các công trình cơ bản, nhất là ở các xã thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tốt việc giám sát thực hiện trách nhiệm của các đại biểu dân cử; tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch HĐND, chủ tịch và phó chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định. Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động có tính chất phản biện xã hội tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp ý kiến vào các dự thảo cơ chế, chính sách của HĐND và UBND các cấp và một số dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của đông đảo quần chúng nhân dân trước khi chờ duyệt và triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng vào dự thảo quy hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chương trình, dự án, chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh, các ban tư vấn của ủy ban MTTQ cấp huyện và cấp xã, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu; nâng cao hiệu quả phối hợp và thống nhất hoạt động giữa Ủy ban MTTQ với các tổ chức thành viên. Kiện toàn về tổ chức bộ máy của Ủy ban MTTQ theo hướng đủ về số lượng, trẻ hoá, trí thức hoá, hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong thực hiện nhiệm vụ GS&PBXH, có bản lĩnh chính trị vững vàng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ GS&PBXH của Ủy ban MTTQ các cấp.

 PHẠM QUANG SẢN- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh