Tiên Động nuôi thủy sản tập trung
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:25, 25/11/2011
Với lợi về địa lý, nhiều hộ dân đã mạnh dạn ngăn các nhánh sông và chuyển đổi ruộng trũng thành ao để thả cá, nâng cao thu nhập.
Mô hình chuyển đổi của gia đình ông Bùi Phú Lâm ở thôn Đoàn Khê
mỗi năm thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng
Năm 2004, xã Tiên Động đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi toàn bộ diện tích triều trũng sang nuôi thủy sản. Năm 2005, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt Tiên Động thành vùng nuôi thủy sản tập trung của tỉnh với tổng vốn đầu tư 18,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 5,9 tỷ đồng, còn lại do các hộ tham gia chuyển đổi đóng góp. Sau gần 8 năm đi vào hoat động, vùng nuôi thủy sản tập trung Tiên Động đã cho hiệu quả rõ rệt. Chị Bùi Thị Hợi ở thôn Đoàn Khê đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ ruộng của gia đình và đấu thầu thêm để tham gia vùng thủy sản tập trung của xã. Đến nay, chị Hợi đã có 2 ha đất chuyển đổi. Trong đó, chị đào 3 ao thả cá với diện tích hơn 1 ha, chủ yếu nuôi các giống cá cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao như rô phi đơn tính dòng đường nghiệp, rô phi đơn tính dòng sô - đan… Mỗi năm, chị thu hoạch 2 lần, trung bình được 9 tấn cá. Trên bờ, chị xây 3 khu chuồng với 5 con lợn nái và 150-170 con lợn thịt mỗi năm; nuôi 2-3 lứa vịt thịt/năm, khoảng 500 con/lứa và 100 con vịt đẻ. Ngoài ra còn thả gà vườn. Nhằm khai thác hiệu quả vùng đất chuyển đổi, chị tìm hiểu và đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng. Sau 3 năm trồng, hơn 100 khóm thanh long đã cho thu hoạch, trung bình từ 15- 20 kg/khóm, giá bán tại vườn 40 nghìn đồng/kg. Chia sẻ về mô hình chuyển đổi của mình, chị Hợi cho biết: “Lúc đầu gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm. Nhưng vừa học vừa làm, lại được sự giúp đỡ của anh chị em trong vùng chuyển đổi, những khó khăn đó dần được khắc phục. Với mô hình tổng hợp, trừ chi phí gia đình tôi lãi trung bình 200 triệu đồng/năm. Tôi có điều kiện nuôi các cháu học hành và xây dựng nhà cửa”.
Mới tham gia chuyển đổi được 6 năm, nhưng kinh tế gia đình ông Bùi Phú Lâm đã được cải thiện rõ rệt. Ông Lâm cho biết, lúc đầu ông chưa tin tưởng vào việc chuyển đổi, nhưng sau khi được các cấp, các ngành trong xã động viên, ông đã tích cực tham gia. Sau 3 năm cải tạo, đến cuối năm 2008, mô hình chuyển đổi rộng 1,5 mẫu của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Với 1 mẫu ao thả cá, mỗi năm, ông thu 2 lần. Tận dụng diện tích mặt nước, ông thả 300 con vịt đẻ. Trên bờ, ông xây chuồng nuôi 20 con lợn thịt. Với mô hình tổng hợp trên, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 60-70 triệu đồng.
Vùng nuôi thủy sản tập trung Tiên Động đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng gồm hệ thống điện, kênh mương thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi trồng… Đến nay, vùng đã thu hút 45 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích gần 40 ha. Để phục vụ cho việc nuôi cá và gia súc, gia cầm của người dân được thuận lợi, năm 2004, HTX Thủy sản Tiên Động được thành lập, thu hút 43 hộ tham gia với diện tích 38 ha. Bà Bùi Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Tiên Động cho biết: Trong khoảng 3 năm đầu, người chăn nuôi ở vùng chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn do đất chua, thiếu kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ không có… Nhiều hộ dân đã chán nản, bỏ vườn, ao hoang không chăn nuôi. Trước tình trạng trên, HTX đứng ra nhận thầu lại diện tích đất hoang đó để cải tạo. Sau khi có hiệu quả thì chuyển lại cho người dân. 3-4 năm trở lại đây, vùng chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà chuyển đổi ít cũng 1 mẫu, nhiều lên đến 2-3 ha, lãi thấp nhất cũng từ 50-60 triệu đồng/năm. Là thành viên của HTX, xã viên được mua thức ăn gia súc với giá rẻ hơn bên ngoài từ 8-10%, được tham gia các lớp tập huấn kiến thức nuôi, quy trình phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng… Từ năm 2010, HTX đã đưa giống cá rô phi đường nghiệp vào thay các giống cũ. Giống cá này có ưu điểm ngoại hình đẹp, thời gian nuôi ngắn, ít dịch bệnh. Năm 2011, HTX đã nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đường nghiệp lên 1,3 ha. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí cho thu lãi 195 triệu đồng/ha, cao hơn nuôi các loại cá khác từ 50-60 triệu đồng/ha. Trung bình mỗi năm, vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tiên Động cung cấp ra thị trường 10 nghìn con vịt thương phẩm, 50 tấn thịt lợn, 100 tấn cá. Hiện nay, HTX có thị trường tiêu thụ khá rộng. Thương lái từ nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Bình… về thu mua.
Để nâng cao hiệu quả vùng nuôi thủy sản tập trung, HTX Thủy sản Tiên Động đã và đang khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trong vùng đã được quy hoạch. Tập hợp người chăn nuôi tham gia vào HTX và tìm nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả cao.
HẠNH HOA