Chuyển biến tích cực trong cấp nước sạch nông thôn

Công nghiệp - Ngày đăng : 14:17, 25/11/2011

Dự kiến trong năm 2012, công ty sẽ mở rộng thêm mạng lưới đường ống cấp nước tới từ 15 đến 20 xã.


Nước sạch nông thôn đang góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân. Trong ảnh: Gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến (ở thôn Bỉnh Di, xã Kỳ Sơn) một trong những khách hàng đầu tiên của trạm cấp NSTT Kỳ Sơn

Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay, tỷ lệ số dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 87%, trong đó có 28% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, tăng gần 10% so cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 160 nghìn giếng khơi, 44 nghìn giếng khoan và trên 320 nghìn bể chứa nước mưa có dung tích trên 3 m3. Trong số gần 50 trạm cấp nước sạch tập trung (NSTT) đã hoàn thành, có 45 công trình đang hoạt động. Các trạm cấp NSTT được xác định là mô hình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn thích hợp và hiệu quả. Nguyên nhân do nhiều diện tích bề mặt trên địa bàn tỉnh ta không thể khoan giếng nước ngầm, do nhiễm mặn, ô- xít sắt, một số vùng nhiễm a-sen nghiêm trọng... Bên cạnh đó, tầng nước mặt bị phú dưỡng nên chất lượng các giếng khơi ngày càng kém; lượng mưa phân bố không đều trong năm và giữa các vùng, cũng bị bẩn do ô nhiễm khí thải, bụi...

Từ đầu năm đến nay, dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng (sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới) tiếp tục triển khai thi công 5 công trình NSTT đợt 3.  Đợt 1 và 2 đã có 10 công trình cấp NSTT: hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, công trình cấp NSTT ở các xã: Kim Đính, Đồng Gia, Ngũ Phúc (Kim Thành), Thái Dương, Nhân Quyền - Cổ Bì (Bình Giang), Thái Thịnh (Kinh Môn)... đều có từ 70 - 90% số hộ trên địa bàn sử dụng nước. Trên địa bàn huyện Nam Sách hiện có 5 xã đang triển khai xây dựng nhà máy cấp nước sạch phục vụ dân sinh, gồm: Nam Tân, Thái Tân, Minh Tân, An Lâm và Cộng Hoà. Kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch mỗi xã bình quân từ 13 - 15 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp khoảng 10% vốn đối ứng, còn lại là của chủ đầu tư hoặc vốn vay Ngân hàng Thế giới. Hầu hết các công trình này đều phấn đấu đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.

Bằng nguồn ngân sách nhà nước, vốn "chương trình mục tiêu" hỗ trợ công trình đầu mối (60% tổng đầu tư) các trạm NSTT, tỉnh hỗ trợ 20% và còn lại do cơ sở đối ứng. Bằng phương thức huy động vốn này, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 10 trạm NSTT đã được xây dựng. Bên cạnh đó, cũng nhờ hỗ trợ của Nhà nước, nhiều trạm bị "đắp chiếu" nhiều năm đã khôi phục hoạt động như Hồng Khê (Bình Giang), Bạch Đằng (Kinh Môn)...

Trong quý III vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc danh mục dự án "Xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn liên xã Đoàn Thượng, Thống Kênh, Toàn Thắng, Hoàng Diệu, Hồng Hưng, Liên Hồng, Dân Chủ và khu vực lân cận huyện Gia Lộc" sử dụng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Hà Lan theo Chương trình Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Dự án này dự kiến sẽ triển khai trong năm tới.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương, công ty đang tập trung nâng công suất các nhà máy sản xuất, mở rộng mạng lưới, thực hiện cấp nước theo vùng. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư gần 150 tỷ đồng thực hiện dự án cấp nước sạch của 5 thị trấn Thanh Miện, Gia Lộc, Thanh Hà, Minh Tân và Phú Thứ (Kinh Môn). Dự kiến dự án này cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, bảo đảm cung cấp nước sạch cho hơn 6.000 hộ dân. Như vậy, ngoài các đô thị, công ty hiện cấp trực tiếp nước cho 30 xã, với gần 25 nghìn hộ. Dự kiến trong năm 2012, công ty sẽ mở rộng thêm mạng lưới đường ống cấp nước tới từ 15 đến 20 xã.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cấp nước sạch nông thôn ở tỉnh ta vẫn tồn tại không ít hạn chế. Một nguyên nhân chủ yếu khiến các công trình NSTT bị "đắp chiếu" trong thời gian qua là do chưa có quy hoạch cụ thể và hợp lý làm tiền đề cho công tác đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch nông thôn. Từ đó nảy sinh tình trạng thiếu tập trung các nguồn vốn đầu tư; thiếu tăng cường quản lý khai thác, bảo dưỡng, tu sửa, công trình. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và môi trường ngày càng cao, mực nước sông hạ thấp; chính sách về ngành nước còn nhiều bất cập dẫn đến phương án cấp nước ở mỗi địa phương chồng chéo, lãng phí trong đầu tư. Phương án cấp nước không hợp lý, không thỏa mãn yêu cầu tổng thể về quy hoạch vùng; nhất là phương án cấp nước ở khu vực nông thôn không bảo đảm bền vững...

Các cấp, ngành liên quan cần tăng cường sự thống nhất từ quy hoạch, đầu tư, quản lý sau đầu tư và khai thác hiệu quả hơn nữa các công trình cấp nước sạch. Trong đó cần phát triển mô hình cấp NSTT liên xã.

THÀNH LONG