Tổng kết phải thiết thực, hiệu quả

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 19:13, 02/12/2011

Các bản tham luận cần tập trung vào việc trao đổi, bàn bạc những vấn đề tồn tại, vướng mắc..., tìm ra những giải pháp để khắc phục kịp thời.

Cuối năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nào cũng tiến hành tổng kết việc thực hiện kế hoạch nhiệm vụ trong năm, triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm sau. Thông thường, lễ tổng kết có hai phần chính: Một là, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nhiệm vụ, những việc làm được và chưa được của chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Hai là, đóng góp ý kiến, nêu các biện pháp để giúp cơ quan, đơn vị tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện kế hoạch nhiệm vụ. Đây là phần rất quan trọng, bởi vì việc "hiến kế" đó mới đúng ý nghĩa của buổi tổng kết. Nếu nhiều sáng kiến có giá trị, sát với thực tiễn sẽ giúp cơ quan, đơn vị có được giải pháp đúng cho kế hoạch, nhiệm vụ năm tới. Ngược lại, nếu các ý kiến đóng góp hời hợt, thiếu thực tiễn, thiếu khả thi thì việc xác định phương hướng, nhiệm vụ sẽ không phù hợp, thiếu chính xác...

Hiện nay, nhiều nơi tổ chức tổng kết chỉ chú trọng báo cáo thành tích, còn phần đóng góp ý kiến, thảo luận giải pháp thực hiện kế hoạch nhiệm vụ thường bị coi nhẹ. Phần đóng góp, hiến kế nhiều khi chỉ còn vài dòng trong bản báo cáo dài hàng chục trang giấy. Có hàng chục bản tham luận nhưng đến cuối buổi vẫn không có một bài học kinh nghiệm nào giá trị được rút ra.

Để việc tổng kết công tác cuối năm thực sự tác dụng, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị xác định rõ từng mảng công việc cần được thảo luận. Người phát biểu tham luận phải là những người am hiểu về lĩnh vực mà mình có ý kiến, đồng thời phải có sự đầu tư thời gian, công sức chuẩn bị nội dung tham luận của mình. Các bản tham luận không nên chỉ chú trọng đề cập đến những việc đơn vị mình đã làm mà cần tập trung vào việc trao đổi, bàn bạc những vấn đề tồn tại, vướng mắc, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra những giải pháp phù hợp để giúp cơ quan, đơn vị khắc phục kịp thời.

PHẠM NHƯ HÙNG(Hà Nội)