Mỗi chi hội một mô hình kinh tế
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:55, 07/12/2011
Trong khi nhiều Hội Nông dân các địa phương khác trong tỉnh đang loay hoay với việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế để hội viên trong hội học hỏi, làm theo, thì Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) lại khá “dồi dào” với nhiều loại mô hình phát triển kinh tế khác nhau. 3 năm qua, Hội Nông dân xã đã xây dựng ở mỗi chi hội một mô hình, hiện nay hơn một nửa số mô hình đã bắt đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn tôi đến thăm một số hộ tiêu biểu trong các mô hình kinh tế của hội. Gia đình anh Chu Xuân Thao, thôn Hố Sếu, là hộ thực hiện mô hình trồng na dai đầu tiên của thôn. Khu vườn của anh Thao có tổng diện tích hơn 2 ha, trong đó 1 vườn rộng 1,8 ha, 1 vườn rộng 7 sào. Trước đây, toàn bộ diện tích này, gia đình anh trồng vải. Những năm trước vải còn có giá trị kinh tế cao nên mỗi năm vợ chồng anh thu được mấy chục triệu đồng, từ khi giá vải giảm mạnh nên nguồn thu cũng giảm đáng kể. Năm 2005, vợ chồng anh có dịp xuống xã Việt Dân, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) thăm mô hình trồng na. Trở về, anh quyết định trồng thử 500 cây na dai xen với vườn vải. Đến năm 2008, số cây na trồng xen ở vườn vải đã ra quả và năm đó, vợ chồng anh thu được hơn chục triệu đồng từ việc bán na. Thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn cây vải nên năm 2009, vợ chồng anh quyết định chặt toàn bộ vườn vải để trồng thêm 1.500 cây na dai. Vụ na năm 2010, 500 cây na trồng ban đầu đã cho thu lãi hơn 30 triệu đồng và vụ na năm 2011 cho thu lãi hơn 40 triệu đồng. Chị Tăng Thị Lợi, vợ anh Thao, cho biết: "Sang năm 2012, 1.500 cây na trồng hồi năm 2009 cho quả, lúc đó vườn na của gia đình tôi còn cho thu nhập cao hơn nữa”. Mô hình na dai ở chi hội 3 thôn Hố Sếu được chúng tôi triển khai thực hiện từ năm 2009, với 12 hộ tham gia thực hiện mô hình, nhà có diện tích nhiều nhất như nhà anh Thao với diện tích vườn hơn 2 ha, còn nhà trồng ít cũng có 0,3 ha. Gần 3 năm nay, vườn na của các hội viên phát triển khá tốt, một số hộ đã cho thu hoạch.
Mô hình nhãn chín muộn ở chi hội 5 (thôn Đá Bạc 2) cũng đã cho hiệu quả kinh tế bước đầu. Mô hình này được thực hiện từ năm 2009, tham gia mô hình có 16 hộ trồng với diện tích 3 ha. Trong đó, tập trung trồng nhiều có gia đình ông Nguyễn Đình An, với diện tích 1,1 ha và gia đình ông Nguyễn Đình Xuyên với diện tích gần 1 ha, còn lại các hộ khác. Tuy mới triển khai thực hiện được gần 3 năm nhưng vườn nhãn của một số hộ đã ra quả và bước đầu cho thu nhập. Hộ gia đình ông Nguyễn Đình An với diện tích hơn 1 ha, trồng 300 cây nhãn chín muộn, vụ nhãn vừa qua, cho thu 16 triệu đồng. Hay như hộ ông Nguyễn Đình Xuyên, với gần 1 ha, trồng 200 gốc nhãn, thu chục triệu đồng.
Còn tại chi hội 2 thôn Thanh Mai, phong trào nuôi gà thả đồi đang phát triển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với mục tiêu xây dựng thành công mô hình gà thả đồi, chi hội 2 đã lựa chọn 12 hộ chăn nuôi tâm huyết và có kinh nghiệm để xây dựng mô hình. Mấy năm qua, mô hình chăn nuôi gà thả đồi ở chi hội 2 đã phát triển mạnh, 12 hộ chăn nuôi, nay đều có quy mô lớn, từ 1.000 - 5.000 con/lứa. Không chỉ các hộ trong chi hội 2 thôn Thanh Mai, mà nhiều hộ ở thôn khác cũng phát triển chăn nuôi theo mô hình gà thả đồi. Hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Sinh mấy năm nay, kinh tế khá giả lên nhờ phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi. Trước đây, anh nuôi với quy mô nhỏ, nhưng thấy hiệu quả kinh tế nên anh đầu tư xây chuồng mở rộng quy mô nuôi lên 4.000 con/lứa. Mỗi năm anh nuôi và xuất bán 1,3 vạn con. Năm 2010, gia đình anh thu lãi 250 triệu đồng; năm 2011 anh thu lãi 200 triệu đồng. Trong chi hội còn có hộ gia đình anh Bế Văn Cường cũng là hộ phát triển chăn nuôi gà thả đồi với quy mô khá lớn. Hiện nay, quy mô chăn nuôi của gia đình anh Cường đạt 5.000 con/lứa; năm 2011 thu lãi đạt gần 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám, cho biết: Nhằm thúc đẩy phong trào kinh tế trong cán bộ hội viên và phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Ban Chấp hành hội bắt đầu triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ năm 2009. Mỗi chi hội xây dựng một mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, khí đậu, đất đai thổ nhưỡng. Cụ thể như mô hình trồng chè ở chi hội 7, thôn Tân Lập; mô hình nhãn chín muộn ở chi hội 5 thôn Đá Bạc 2; mô hình thanh long ruột đỏ ở chi hội 6 thôn Hố Giải; mô hình nuôi gà thả đồi ở chi hội 2 thôn Thanh Mai; mô hình trồng rau màu trái vụ ở chi hội 4 thôn Đá Bạc 1; mô hình trồng na dai ở chi hội 3 thôn Hố Sếu; mô hình trồng mít Đài Loan ở chi hội 1 thôn Đồng Châu. Hiện nay, một số mô hình đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Khi các mô hình này phát triển ổn định tại các chi hội, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, hội viên trong toàn xã nhân rộng nhằm thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
VIỆT CƯỜNG