Tìm nguyên nhân hàng loạt xe máy bốc cháy

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 15:25, 14/12/2011

Chuyện xe máy đang chạy đột nhiên bốc cháy hoặc phát nổ giữa đường, chuyên viên, nhà khoa học khuyến cáo, hãy thận trọng với hệ thống điện, bình ắc-quy, xăng ở xe máy.

Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng, cơ quan hữu trách còn chưa tìm ra nguyên nhân khiến chiếc xe máy Honda Dream bị nổ khiến một thai phụ tử vong và làm một cháu bé bị thương nặng tại Bắc Ninh, thì trưa 12-12 một chiếc xe máy Honda SH lại bốc cháy trên đường Kim Mã (Hà Nội). Trước đó, chiều 9-12, chiếc xe máy Honda Air Blade mang BKS 90H8 – 7458 cũng lại tự bốc cháy khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).

Có lửa, có xăng là xe máy cháy

Theo các chuyên gia, đối với xe máy chạy điện ắc quy thì việc cháy xe là không phải chuyện lạ, chỉ cần chập điện, phát lửa mà gặp xăng là xe máy cháy ngay. Các khớp nối dẫn xăng không kín hoặc dây dẫn xăng bị thủng khiến xăng bị rò rỉ ra ngoài tới điện cao áp. Bình ắc quy, bugi khi khởi động phát tia lửa điện sẽ gây cháy hoặc ngay trong quá trình lưu thông do đường xóc làm các thiết bị kim loại không được cố định chặt cũng có thể va chạm với nhau phát ra tia lửa điện.

Tìm nguyên nhân hàng loạt xe máy bốc cháy

Đối với các xe máy cũ, việc xăng rò rỉ phần lớn là do đường ống dẫn xăng bị rạn, nứt, các khớp nối không chặt; còn các xe mới chủ yếu là do chuột cắn đứt, thủng dây dẫn điện, dẫn xăng. Với kinh nghiệm gần 20 năm sửa xe, anh Nguyễn Duy Thành, Trung tâm sửa chữa bảo dưỡng xe máy Duy Thành (Mê Linh, Hà Nội) khẳng định, các xe máy đời mới chạy phun xăng điện tử nếu bị thủng dây xăng sẽ nguy hiểm hơn bởi chỉ cần chủ xe vặn khóa mở xe thì xăng sẽ phun túa ra theo dạng sương mù, bao kín hết cả động cơ. Chỉ cần tia lửa nhỏ cũng có thể nhanh chóng thiêu rụi xe trong vòng 10 phút.

Anh Đỗ Văn Nhật, Trung tâm sửa chữa xe máy Nhật Huyền (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, tình trạng tự cải tiến, lắp thêm còi, đèn, xinhan, ắc quy trôi nổi, không chính hãng hiện nay là rất phổ biến. Việc lắp thêm này đã làm thay đổi cường độ, công suất dòng điện, hiệu điện thế tiêu chuẩn trên xe dẫn đến quá tải, gây ra sự cố chập, cháy bất cứ lúc nào.

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, khoa Vật Lý, Đại học khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) có xăng rò rỉ và gặp tia lửa sẽ dẫn tới cháy xe. Còn cháy trong môi trường kín sẽ dẫn nổ. Vụ nổ xe ở Bắc Ninh có thể là do nổ bình xăng. “Cần chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng mới có thể biết được nguyên nhân dẫn nổ xe. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, nổ bình xăng xe là chuyện vô cùng hiếm gặp. Trong môi trường kín ở thể tích 4, 5 lít như bình xăng, nếu nổ sức công phá của nó cũng rất lớn như nổ một quả mìn”, PGS Nho nói.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Chuyên viên, nhà khoa học khuyến cáo, hãy thận trọng với hệ thống điện, bình ắc-quy, xăng...
Chuyên viên, nhà khoa học khuyến cáo, hãy thận
trọng với hệ thống điện, bình ắc-quy, xăng...

Việc cháy, nổ xe máy đã là chuyện không bình thường, nhưng càng không bình thường hơn ở chỗ các xe máy cháy, nổ phần lớn lại là xe đời mới vừa mua hoặc vừa được bảo hành và hầu hết của cùng một hãng sản xuất. Điều này đã gây nên sự nghi ngờ về chất lượng xe từ các chuyên gia. Anh Nhật lý giải: “Nếu xe Trung Quốc cháy, nổ thì còn đổ lỗi cho chất lượng thấp do giá rẻ, nhưng thực tế lại cho thấy chẳng có chiếc xe máy Trung Quốc nào cháy, nổ mà toàn của hãng Honda, một ít của Yamaha. Tôi nghĩ chắc chắn chất lượng xe máy hiện đang có vấn đề”.

Đồng quan điểm này, KS Nguyễn Trung Thành, trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cho rằng, để cạnh tranh, các hãng đua nhau đưa ra các mẫu xe mới, một năm có khi vài mẫu. Sản xuất không kịp nhu cầu tiêu thụ nên chất lượng không bảo đảm là điều dễ hiểu.

Ở Việt Nam, chủ yếu là đào tạo truyền khẩu, đấu sai dây gây chập điện cũng có thể dẫn tới cháy, nổ nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng. Trong khi nguyên nhân các vụ cháy, nổ xe máy còn chưa được làm sáng tỏ, theo PGS. TS Phạm Văn Nho, người tiêu dùng nên thận trọng hơn khi sử dụng xe máy. Hãy kiểm tra kĩ xe trước khi khởi hành, bảo đảm xăng không bị rò rỉ, không có rơm, rạ, giấy hoặc các vật dễ cháy khác mắc dưới gầm xe. Thường xuyên bảo dưỡng để kiểm tra và khắc phục những lỗi dây điện, dây xăng bugi, bộ chế hòa khí, bình xăng... tại cơ sở có uy tín và không gắn thêm các thiết bị điện trên xe.

(Nguồn: Khoahoc.com.vn)