Vướng mắc trong xử lý các lò gạch ở TP Hải Dương

Môi trường - Ngày đăng : 10:50, 23/12/2011

Việc xây dựng các lò gạch rất tốn kém, nhiều lò mới hoạt động thời gian ngắn, chưa thu hồi được vốn đầu tư, nếu phải phá bỏ ngay sẽ rất thiệt hại cho chủ lò...


Hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường tại lò gạch của ông Trần Ngọc Bài ở phường Nhị Châu


Ngày 15 - 3 - 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND phê duyệt lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch sét nung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, những cơ sở sản xuất gạch sét nung (không kể tuy - nen) sẽ phải tháo dỡ nếu có những vi phạm như: không được UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện cho phép xây dựng; nằm trên địa bàn các phường của TP Hải Dương và thị xã Chí Linh; ở sát khu dân cư dưới 200m; không còn vùng nguyên liệu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã bị cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở, cảnh báo nhiều lần hoặc nhân dân địa phương phản đối... Theo những quy định trong quyết định này, TP Hải Dương có 14 lò thuộc các phường Bình Hàn, Việt Hòa và Nhị Châu thuộc diện phải tháo dỡ trước ngày 30 - 6 - 2011. Trong các biên bản kiểm tra của chính quyền TP Hải Dương cho thấy: 14 lò chưa được phê duyệt vùng quy hoạch sản xuất gạch sét nung, các lò chỉ có quy hoạch do phường lập nhưng chưa được phê duyệt; các lò đều có tờ trình của UBND thành phố trình UBND tỉnh nhưng chưa có quyết định phê duyệt; 1 lò nằm cách khu dân cư dưới 200m; cả 14 lò đều không có vùng nguyên liệu được duyệt, mới chỉ có hợp đồng mua đất từ nơi khác...

Ông Trần Ngọc Bài, đại diện cho 14 cơ sở sản xuất gạch sét nung nằm trong diện phải tháo dỡ trước ngày 30 - 6 - 2011 cho biết, từ năm 2003, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trình diễn lò gạch liên tục kiểu đứng (LTKĐ) hiệu suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững, các chủ lò gạch thủ công truyền thống thuộc địa bàn các phường Việt Hòa, Nhị Châu và Bình Hàn đã tự nguyện chuyển đổi công nghệ, đầu tư kinh phí xây dựng lò gạch LTKĐ để thay thế lò gạch thủ công truyền thống. Việc xây lò gạch LTKĐ của các hộ được khuyến khích bằng nhiều chủ trương của tỉnh như: Quyết định 3902/2004/QĐ-UBND ngày 4 - 10 - 2004 của UBND tỉnh ban hành quy định về xây dựng và vận hành lò nung gạch LTKĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010; Thông báo số 55/TB - VP ngày 5 - 6 - 2006 của Văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định 3902/2004/QĐ-UBND ngày 4 - 10 - 2004 của UBND tỉnh, đồng ý hỗ trợ các tổ chức và cá nhân áp dụng công nghệ lò gạch LTKĐ trong khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với mức 20 triệu đồng/lò; đồng ý mở rộng thời gian quy định áp dụng công nghệ lò gạch LTKĐ và thuê đất sản xuất gạch đến năm 2015. Các lò đều có tờ trình của UBND TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh và các ngành phê duyệt dự án đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng lò gạch LTKĐ. Ngoài ra, tất cả các cơ sở đều có giấy phép đăng ký kinh doanh sản xuất gạch công nghệ mới LTKĐ và có quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện dự án lò gạch LTKĐ. Các lò đều được xây dựng trong khoảng thời gian từ 2002 - 2006 và đều có hợp đồng còn thời hạn với chính quyền địa phương.

Thực hiện Quyết định 661 của UBND tỉnh, chính quyền TP Hải Dương đã nhiều lần gửi thông báo yêu cầu các phường Nhị Châu, Bình Hàn và Việt Hòa đôn đốc các chủ lò nghiêm chỉnh thực hiện. UBND thành phố cũng nhiều lần gửi thông báo và tổ chức họp với các chủ lò để thông báo chủ trương của UBND tỉnh. Đầu tháng 8 -2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2193/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện việc tổ chức cưỡng chế, xóa bỏ các lò gạch LTKĐ trên địa bàn các phường. Thành phố cũng đã xây dựng phương án cưỡng chế hành chính nếu các chủ lò không tự nguyện tháo dỡ. Tuy nhiên, quá trình xử lý các lò gạch trên địa bàn các phường của thành phố gặp nhiều khó khăn, vì vậy đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào. UBND TP Hải Dương đã báo cáo và đang xin ý kiến về việc tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện quyết định của UBND tỉnh.

Về phía các chủ lò gạch, tất cả đều khẳng định: chủ trương chấm dứt hoạt động của các lò gạch trong nội thành TP Hải Dương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung và họ ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, việc xây dựng các lò gạch rất tốn kém, nhiều chủ lò huy động vốn của người thân, bạn bè với một khoản khá lớn để xây dựng. Nhiều lò mới hoạt động thời gian ngắn, chưa thu hồi được vốn đầu tư. Nhiều chủ lò đã nhập một lượng nguyên liệu lớn, nếu phải phá bỏ ngay sẽ không biết giải quyết như thế nào. Những vướng mắc trên cần được quan tâm tháo gỡ.  

  VỊ THỦY