Vẹn nguyên phẩm chất người lính nơi trận mạc
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:19, 25/12/2011
Tới đầu thôn Trác Châu, xã An Châu (TP Hải Dương), hỏi thăm cụ Trần Văn Phúc thì ai cũng biết. Cụ thuộc thế hệ những thanh niên đầu tiên xung phong đi đánh Mỹ, giải phóng miền Nam khi mới tròn 20 tuổi. Cả tuổi xuân của cụ ở chiến trường. Những trận đánh ác liệt, những chuyến công tác đặc biệt, để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
Cụ Phúc vốn là con trai độc nhất trong gia đình, được miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng tháng 2 năm 1960, cụ đã xung phong đi bộ đội. Bấy giờ, thanh niên miền Bắc có phong trào xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Được quân đội cho đi học nghề, hết thợ điện rồi lái xe, cụ là người đi đầu phong trào này tại Đại đội 4, Tiểu đoàn 202, được đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hai lần cấp giấy chứng nhận. Học xong, cụ được điều về tiểu đoàn 14, trung đoàn 472 Đoàn 559. Từ đó, cụ gắn bó với đường Trường Sơn, nếm trải đủ mọi khó khăn, gian khổ của người lính mở đường. Nhiều lần bị thương. Nhiều lần phải cấp cứu. Nhưng cụ vốn người to khỏe, sức mau hồi phục, ra khỏi trạm quân y dã chiến là lại vững vàng ngồi sau tay lái, vượt qua lửa đạn, đưa hàng lên tuyến trước. Giỏi tay nghề, lại tháo vát, ứng đối linh hoạt, cụ được cấp trên tin cậy. Những năm chống chiến tranh đặc biệt của Mỹ, vùng giải phóng mở rộng, phải tranh thủ cả nguồn hàng ở Cam-pu-chia. Đại tá Trần Phương ở Cục Hậu cần Miền giao cho cụ làm đội trưởng một đội vận chuyển sang Nông Pênh. Cụ đóng vai nhà buôn gạo. Hãng lương thực ở bên đó do bà Mười (người của ta) phụ trách. Đội xe 18 chiếc của cụ Phúc ra vào thủ đô nước bạn tự nhiên như các xe khác. Chỉ có điều, khi chở hàng về biên giới, cụ Phúc luôn đi chiếc xe đầu. Đến trạm gác, cụ xuống thân mật chào hỏi, mời thuốc lá, rồi ấn cả bao thuốc (trong đó có đô la) vào tay tên sếp. Thế là nó vẫy tay, cần ba-ri-e nâng lên cho đoàn xe ta đi qua một cách dễ dàng. Trong xe, đâu chỉ có lương thực. Xe còn kín đáo mang về nhiều thứ hàng hóa khác rất cần cho cuộc kháng chiến đang vào giai đoạn quyết liệt.
Hôm vừa rồi đến thăm cụ Trần Văn Phúc tại nhà riêng, tôi thấy cụ ngồi trên xe lăn. Thì ra, vừa sang tuổi 71, cách đây mấy tháng, cụ bị tai biến mạch máu não. Một bên tai bị sức ép của bom làm thủng màng nhĩ, cụ nghe rất khó. Cụ nói nhát gừng, không còn đủ ý, rõ lời. Tay cụ nổi lên các cục tròn, dấu tích các viên bi găm trong thịt. Trong người cụ còn tất cả 24 viên bi như thế, giở trời là đau nhức.
Sau 23 năm 4 tháng trong quân ngũ, thương tật hạng 1/4, mất 62% sức khỏe, nay lại bệnh tật, sức cụ đã yếu. Nhưng đôi mắt sáng, gương mặt kiên nghị vẫn gợi lại một con người của trận mạc. Cụ muốn nhắc lại chuyện lái xe tăng sang Lào, hỗ trợ vụ nổi dậy của đại úy Coong-le. Cụ cũng nhớ chuyện cả đơn vị chuyển sang vùng 4 hải quân, làm việc ở quân cảng Cam Ranh... Cụ còn giữ cả một hộp sắt tây chứa các huân chương, huy chương, huy hiệu, các giấy tờ có chữ ký của nhiều vị tướng. Những hiện vật đó đã nói lên tất cả.
Cảnh nhà cụ ấm cúng. Sau ngày giải phóng miền Nam, cụ sinh được anh con trai, đặt tên là Trần Văn Trung. Nay anh Trung lại sinh một cậu cháu đích tôn là Trần Tuấn Nghĩa 4 tuổi cùng hai cháu gái. Con Trung, cháu Nghĩa là lời gửi gắm của cụ với gia đình, với quê hương. Có trung, có nghĩa mới có phúc. Trong nắng ấm, ông cháu quây quần. Người cựu chiến binh, Đại úy, Phó Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Phúc trông thật đẹp lão, khuôn mặt hồng hào ánh lên niềm vui...
NGUYỄN HỮU