Sẽ phải thay đổi cách quản lý về giống
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:27, 25/12/2011
Ông Nguyễn Trí Ngọc |
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Trí Ngọc đã tổ chức cuộc họp với các phòng ban để rà soát, đánh giá lại quy trình công nhận giống hiện đang bất ổn ở những khâu nào. Ông Ngọc cũng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông giải thích thế nào về dư luận cho rằng, Cục Trồng trọt quá dễ dãi trong việc công nhận giống khiến cho loạn thị trường?
Quá trình công nhận giống hiện được chi phối bởi hai văn bản chính, thứ nhất là Pháp lệnh Giống cây trồng, thứ hai là Quyết định 95. Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa rồi phản ánh nội dung cơ cấu giống lúa quá bảo thủ là vấn đề được nhiều người đang quan tâm và cũng là vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên, cho rằng công nhận nhiều giống làm loạn thị trường theo tôi là chưa chuẩn xác.
Tại sao? Mấy năm gần đây, một trong những điểm nổi bật là công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao giống nói chung trong đó giống lúa nói riêng phát triển mạnh mẽ. Đấy là điều tốt bởi nông dân có cơ hội để lựa chọn cơ cấu giống phù hợp. Trong điều kiện khó khăn của thời tiết như vừa qua, nếu không nhờ bộ giống phong phú làm sao năng suất cây trồng chỉ có tăng mà không giảm? Chúng ta có những bộ giống ngắn ngày lách được nhiều thứ như mùa vụ, bất lợi của thời tiết và còn giúp nâng cao năng suất.
Tại sao ta vẫn giữ cách quản lý giống theo danh mục mà không mở ra hướng doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về sản phẩm họ tung ra thị trường, thưa ông?
Công tác quản lý nhà nước về giống hiện vẫn theo danh mục (khảo nghiệm, đánh giá rồi đưa vào danh mục) mà chưa có cách nào quản lý tốt hơn. Từ giống thủy sản, giống chăn nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y cũng cùng một cách quản lý như thế. Cách quản lý đó ở thời điểm hiện tại vẫn phải áp dụng và đang đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Ta không thể làm như các nước khác được.
Lý do thứ nhất ta có hàng trăm doanh nghiệp giống mà chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu chúng ta hầu hết là doanh nghiệp lớn thì quản lý như báo NNVN đã phản ánh ở Thái Lan là rất đơn giản. Bởi các DN này có nghiên cứu, có kiểm nghiệm, có chiến lược phát triển rất rõ ràng. Đằng này doanh nghiệp của ta phần đa nhỏ và vừa, lắm lúc làm ăn theo kiểu chộp giật, ăn đong. Ứng phó với thực tiễn đó vẫn phải quản lý theo danh mục, chưa thể bung ra theo kiểu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước chính những sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, cách quản lý này về lâu về dài cũng phải thay đổi. Bởi quản lý theo danh mục, theo năm tháng, mỗi ngày danh mục sẽ dài dằng dặc thêm, lại không có điểm dừng nên đến thời điểm nào đó vẫn phải đổi mới. Hiện với lĩnh vực phân bón, chúng tôi đang xây dựng cách quản lý mới không theo danh mục mà theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Cục Trồng trọt đang đi tiên phong đề xuất vấn đề này cũng bị phản ứng rất kinh. Muốn đưa ra phương thức quản lý mới trong lĩnh vực giống cây trồng phải đưa giống vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn (ví dụ quy chuẩn khảo nghiệm DUS, bảo quản kho tàng…) và phải sửa đổi các văn bản pháp luật. Quyết định 95 hiện chúng tôi đã sửa theo hướng đơn giản hóa các thủ tục công nhận giống cây trồng để nhanh chóng đưa ra sản xuất và để cho các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu gắn trách nhiệm giống của mình với công bố hợp quy, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên quyết định này chưa được ban hành do chưa sửa được Pháp lệnh giống.
Việc sửa Pháp lệnh đang xin Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình kế hoạch xây dựng. Chúng ta phải sửa đồng bộ nhưng loay hoay mãi mà vẫn vướng pháp lệnh. Sự chậm trễ này Cục cũng đang rất sốt ruột.
Ông nghĩ sao về hiện tượng “dựng hàng rào kỹ thuật”, biến mỗi địa phương thành một pháo đài khép kín mà muốn đưa giống nào vào cơ cấu, loại giống nào ra khỏi cơ cấu đều phải “đi đêm” với nhau?
"Quy chuẩn khảo nghiệm DUS hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn VN. Tồn tại của cách quản lý giống theo danh mục là đưa nhiều giống mới vào chứ ít khi đào thải giống lạc hậu ra khỏi danh mục" - ông Nguyễn Trí Ngọc |
Cái đó là có. Chuyện này theo tôi là không nên. Nhân đây tôi cũng nói thêm, việc ngồi hội đồng công nhận giống của cán bộ Cục cũng chẳng sung sướng gì mà còn rất vất vả vì phải làm trọng tài, phải chịu trách nhiệm giống đó trước sản xuất. Mặt khác, nói thật là nhiều khi cũng phải cảnh giác vì các DN họ "gây áp lực", mình mà nể nang không “thổi còi” sẽ bị lợi dụng ngay.
Từ khi chuyển hội đồng khoa học công nhận giống từ Vụ KHCN sang Cục Trồng trọt đã có tốc độ công nhận giống nhanh hơn hẳn. Nếu lúc trước “ngâm” 2-3 tháng mới có một hội đồng thì nay đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn, chúng tôi cố gắng làm nhanh hơn. Tuy nhiên đôi khi chính vì vậy mà lại mang tiếng là dễ dãi quá. Một số dư luận bảo hội đồng công nhận giống là một thị trường, cái đó không có bởi do chính sản xuất đòi hỏi chúng tôi làm nhanh chứ không phải vì vấn đề gì đó.
Còn vấn đề đi hội nghị đầu bờ, Cục cũng rất hạn chế, tùy từng trường hợp. Đi để chỉ đạo sản xuất chứ không phải đi làm bình phong cho doanh nghiệp nên cũng không có gì phải mặc cảm cả.
Xin cảm ơn ông!