Cây nào quả ấy
Đời sống - Ngày đăng : 21:10, 25/12/2011
Đã lâu tôi mới về thăm quê. Sau khi đi thăm bà con họ hàng, tôi tìm đến thăm Thắng, bạn học cùng tôi từ thuở bé.
Gặp tôi Thắng mừng lắm, tay bắt mặt mừng. Sau khi chào hỏi tôi xin phép vào thăm ông, bà thân sinh ra Thắng. Thắng chỉ tay vào một cái chái xép cạnh ngôi nhà mới xây đồ sộ nói: “Mẹ mình mất từ năm 2008, ông cụ còn sống nhưng không còn biết ai nữa đâu”. Tôi bảo Thắng đưa tôi vào thăm ông cụ. Thấy tôi vào cụ nhổm dậy reo lên trước sự ngạc nhiên của tôi: “Thằng Hoàng phải không cháu?”. Tôi ôm lấy cụ: “Dạ cháu là Hoàng bạn của Thắng đây ạ!”. Thế là cụ ngồi dậy nói chuyện với tôi một cách hồ hởi mà không hề có sự nhầm lẫn. Ký ức về gia đình cụ hiện về trong tôi rất rõ.
Nhà tôi với nhà Thắng sát vách nhau. Vào những năm bao cấp, cuộc sống gia đình nào cũng khó khăn, cha mẹ tôi là giáo viên, còn bố Thắng là công nhân nhà máy đường nên cuộc sống đều trông cả vào lương và tem phiếu. Bố mẹ Thắng thì nuôi mẹ già, còn cha mẹ tôi thì nuôi ông ngoại cũng đã già. Cả hai gia đình có hoàn cảnh tương đối giống nhau. Đồng lương nhà giáo của cha mẹ tôi bèo bọt lắm, nhưng tình cảm giữa ba thế hệ trong gia đình tôi vô cùng ấm cúng. Mua được năm lạng thịt lợn, bố tôi nói với mấy anh em: “Các con còn trẻ thì “còn ghe sức ăn” (ý cha tôi nói trẻ còn nhiều cơ hội để ăn), số thịt này mình (mẹ tôi) nên kho mặn cho cha ăn, còn cha con tôi ăn thế nào cũng được". Được thương nghiệp phân cho hộp sữa, cân đường mấy anh em chúng tôi thèm lắm, nhưng cha tôi động viên: “Các con lớn lên học cho giỏi thì những thứ này tha hồ mà ăn. Giờ ông già rồi các con nên nhường cho ông, nếu không có ông bà, thì làm gì có cha mẹ và các con”. Thế là mấy anh em chúng tôi nuốt nước miếng vào trong không dám tơ hào nữa. Nơi đặt chiếc giường của ông là nơi sang trọng nhất trong ngôi nhà. Cha mẹ dạy chúng tôi phải hết lòng chăm sóc, kính trọng ông.
Còn cha mẹ Thắng thì khác. Bà nội của Thắng già yếu rồi nhưng được bố trí ở ngay trong một cái chái lợp bằng lá cọ, nằm trên chiếc chõng tre. Mỗi khi bê cho bà bát cơm, chén nước mẹ Thắng luôn miệng càu nhàu. Có hôm tôi và Thắng ngồi học bài thấy bà lấy mấy hào bạc nhàu nát cất kỹ trong áo nhờ Thắng đi mua trầu cau. Thắng tỏ ra bực bội không đi, tôi đỡ lấy mấy hào bạc định chạy đi mua cho bà thì mẹ Thắng la lên: “Tiền ở đâu mà bà có! Có phải bà ăn cắp tiền của tôi không? Đưa đây cho tôi!". Nói rồi mẹ Thắng giằng lấy mấy hào bạc. Lúc đó tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của bà, còn cha Thắng không nói câu nào. Bà nội Thắng bị đối xử chẳng khác nào người ăn bám. Tôi đem chuyện này kể với cha mẹ tôi. Cha tôi nói: “Đạo làm con mà ăn ở đối xử với cha mẹ già như vậy là không tốt. Thường thì những người đối xử không tốt với cha mẹ mình sau này con cái sẽ học theo, đấy là thuyết nhân quả con ạ! Các cụ nói: “Nhân nào thì quả đó”, không sai đâu con ạ! Con cứ hiểu đơn giản thế này: Nếu con gieo hạt ớt thì nó sẽ lên cây ớt chứ không thể lên cây cam được. Con cứ nghĩ như thế mà sống cho phải đạo”.
Tiếng bố Thắng khóc nấc lên khiến tôi trở về với thực tại. Tôi hỏi Thắng: “Nhà rộng thế sao không đưa ông cụ lên nhà trên cho thoáng mát?”. “Ôi dào! Ông già cả rồi ở đâu mà chẳng được. Đưa ông lên nhà trên nhỡ có khách đến ông nói huyên thuyên lại bẽ mặt với bạn bè. Ngày trước bố mình vẫn nuôi bà mình như thế có sao đâu”. Thấy Thắng nói vậy ông cụ nói trong nước mắt: “Cháu ạ! Chú gây ra thì chú phải gánh lấy thôi, đây là quả báo đấy”. Chia tay Thắng tôi tự hỏi: Liệu con của Thắng có lặp lại cách sống, cách đối xử với Thắng như chính anh đang đối xử với cha mình không nhỉ?
HOÀNG BÍCH HÀ