Âm vang cuộc thi sáng tác ca khúc về Hải Dương

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 07:49, 30/12/2011

Hầu hết các ca khúc tham dự cuộc thi này đều có nội dung, tư tưởng tốt, giai điệu hay với nhiều phong cách độc đáo...



Đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban vận động Cuộc thi sáng tác
 ca khúc về Hải Dương gặp gỡ các nhạc sĩ. Ảnh: Duy Thanh


Những năm qua, cùng với những thành tựu lớn về kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng ở tỉnh ta cũng phát triển mạnh. Trong nhiều thập kỷ qua, đã có hàng trăm ca khúc viết về Hải Dương, điển hình như các ca khúc: “Hải Dương quê hương anh hùng”, “Đảm đang là gái Hải Dương”, “Ngàn năm ơi Hải Dương”, “Cội nguồn quê hương”, “Hát về Hải Dương”... Đó là những ca khúc được đông đảo nhân dân yêu thích, gắn liền với tên tuổi của các nhạc sĩ như: Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Đức Minh, Đỗ Hồng Quân, Trần Thanh Tùng, Trần Minh, Mai Đoan... Trong giai đoạn hiện nay, Hải Dương đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của nhân dân ngày một nâng cao, nhất là thế hệ trẻ, thì những ca khúc đã sáng tác trước đây có thể nói là chưa đủ.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân, tỉnh ta đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về tỉnh Hải Dương từ năm 2010. Đây là cuộc thi sáng tác ca khúc có quy mô lớn nhất của tỉnh từ trước tới nay, nhằm phát động rộng rãi, khuyến khích các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài tỉnh sáng tác những ca khúc về Hải Dương, phản ánh sinh động cuộc sống, lao động xây dựng quê hương; vẻ đẹp của mảnh đất, con người Hải Dương… Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông, khuyến khích mọi người quyết tâm phấn đấu vươn lên, cùng nhau xây dựng một Hải Dương ngày càng văn minh, giàu mạnh. Ban tổ chức đã xây dựng quy chế chấm thi rất tỉ mỉ, khoa học. Đồng thời, đã mời một số nhạc sĩ có uy tín và trách nhiệm của Trung ương và địa phương vào Ban giám khảo, như các nhạc sĩ: Hoàng Vân, Huy Thục, Phạm Tuyên, Đỗ Hồng Quân... Chủ tịch Hội đồng chung khảo là nhạc sĩ Phạm Tuyên, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội. UBND tỉnh, Ban tổ chức đã tổ chức họp báo và hội nghị phát động cuộc thi ở tỉnh và ở Hà Nội. Sau khi có kết quả vòng chung khảo, các tác phẩm đoạt giải đã được công bố trên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh và đăng lần lượt trên báo Hải Dương.


Các nhạc sĩ đi thực tế tại Côn Sơn (Chí Linh).  Ảnh: Duy Thanh

Sau gần 2 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 216 ca khúc, do 147 nhạc sĩ ở trung ương và 29 tỉnh, thành phố trong cả nước sáng tác, gửi về. Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, sau đó lấy ý kiến nhận xét, bình chọn của nhân dân, tới nay, Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn được 15 ca khúc tiêu biểu để trao giải chính thức. Kết quả không có giải A, có 2 giải B, 2 giải C và 11 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 1 giải nhánh cho ca khúc được nhiều người bình chọn.

Theo đánh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hầu hết các ca khúc tham dự cuộc thi này đều có nội dung, tư tưởng tốt, giai điệu hay với nhiều phong cách độc đáo. Nhiều ca khúc có thể hát đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca.

Thành công của cuộc thi này là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đó còn là kết quả của sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân, đặc biệt, là kết quả của sự quan tâm, nhiệt tình sáng tác của các nhạc sĩ trong cả nước, sự làm việc công tâm, khách quan của Hội đồng giám khảo.

Để các ca khúc có sức lan toả rộng rãi, thấm sâu và có tác dụng mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần đẩy mạnh các phong trào văn hoá, văn nghệ, cùng các phong trào thi đua ở địa phương đòi hỏi các cơ quan tuyên truyền, các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị (nhất là các trường học) cần tổ chức luyện tập, biểu diễn và phổ biến rộng rãi, thường xuyên những ca khúc đoạt giải trong cuộc thi này.

KHÚC KIM TÍNH- Phó Trưởng Ban Thường trực  Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ