Nhớ mãi lần được gặp Bác
Tin tức - Ngày đăng : 16:50, 08/01/2012
Hôm ấy, vào một ngày đầu thu năm 1962, chúng tôi đang ngủ trưa thì tiếng còi báo động vang lên. Theo thói quen của người lính, chúng tôi bật dậy như lò xo, xách súng đạn, ba lô ra tập hợp.
Mấy cậu tân binh đứng cạnh tôi khẽ hỏi:
- Anh ơi, có việc gì thế?
- Mình cũng không biết.
Chỉnh đốn trang bị xong, tôi thấy đồng chí Đỗ Doãn, đại tá, chỉ huy trưởng Công an Nhân dân tỉnh Hải Dương đứng trước hàng quân. Tôi nghĩ bụng, bộ chỉ huy xuống báo động kiểm tra. Trông đồng chí đại tá oai phong bệ vệ khiến cho cánh lính chúng tôi sợ xanh mắt.
Sau khi nghe đồng chí trung đội trưởng Nguyễn Trọng Vĩnh, người quê Kim Thành dõng dạc:
- Báo cáo đồng chí đại tá chỉ huy trưởng. Tôi, chuẩn uý Nguyễn Trọng Vĩnh, trung đội trưởng trung đội bảo vệ xin báo cáo đồng chí: Quân số... có mặt... vũ khí, khí tài... xin chỉ thị của đồng chí.
- Được. Đồng chí về chỗ.
Đồng chí đại tá chỉ huy trưởng bước đến trước hàng quân, nghiêm nghị nói:
- Các đồng chí vinh dự được giao một nhiệm vụ đặc biệt hết sức quan trọng. Yêu cầu các đồng chí phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và tuyệt đối giữ bí mật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các đồng chí rõ chưa?.
- Rõ.
Anh em trong đơn vị nhanh chóng đi lĩnh trang phục mới. Một tiếng sau, chúng tôi thành thường dân. Trông ai cũng lạ hẳn. Chúng tôi xì xào bàn tán: Nhiệm vụ gì mà phải thay đổi trang phục nhỉ. Biết là rất quan trọng nhưng không ai đoán được.
Chiều hôm đó, chúng tôi ăn cơm sớm lắm. Ba giờ đã ăn xong rồi. Sáu giờ tối chúng tôi đến vị trí tập kết. Đó là Vọng Cung nhà hát thị xã Hải Dương. Tiểu đội tôi do đồng chí Phạm Xuân Vinh, người Ninh Giang làm tiểu đội trưởng. Tiểu đội được giao nhiệm vụ bảo vệ Vọng Cung. Cứ 5 mét chốt một người. Cùng lúc đó, tổ dò mìn của công binh cũng tới. Anh em công binh dò từ trong Vọng Cung ra sân nhà hát. Dò đến đâu chốt người ngay tới đó. Đêm ấy, gió se se lạnh, chúng tôi ngồi canh giữ, không ai chợp mắt.
Hôm sau, trời Hải Dương thật đẹp. Bầu trời lồng lộng xanh trong. Khoảng tám giờ sáng, các đơn vị vũ trang, dân quân tự vệ, các cơ quan đoàn thể ùn ùn kéo đến. Chả mấy chốc, nhà hát chật ních người. Người đến đông quá, nhà hát rộng thế mà không chứa nổi. Bà con phải đứng ra mãi ngoài đường phố. Đến chín giờ, từ ngoài cổng nhà hát bỗng ầm ầm tiếng hô vang:
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Tiếng hô như sấm dậy, hết đợt này đến đợt khác. Bây giờ chúng tôi mới biết Bác Hồ về. Chúng tôi vừa vui mừng xúc động, vừa vinh dự tự hào được bảo vệ Bác. Không ai bảo ai, ai cũng lo bảo vệ Bác thật tốt. Trong lúc đó, Bác Hồ xuất hiện. Bác mặc bộ quần áo bà ba màu nâu tây, đi đôi dép lốp cao su thật giản dị. Da Bác hồng hào, râu Bác, tóc Bác trắng phau cước. Trông Bác như một ông tiên. Bác bước đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Vào đến Vọng Cung, Bác giơ tay chào đồng bào và ra hiệu trật tự. Nhìn tay Bác, cả biển người ồn ào bỗng im phăng phắc. Im đến nỗi dường như chỉ còn nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy Bác. Tôi cách Bác chỉ 5 mét thôi. Thật hạnh phúc cho tôi. Một hạnh phúc không gì sánh được. Tôi sung sướng đến trào nước mắt.
Bác ân cần thăm hỏi nhân dân Hải Dương về phong trào hợp tác xã nông nghiệp, về ăn mặc, học hành... Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân Hải Dương phải đoàn kết một lòng, xây dựng Hải Dương giàu đẹp... Bác bảo: "Vì lợi ích trăm năm trồng người, vì lợi ích mười năm trồng cây". Bác khen Hải Dương làm tốt phong trào trồng cây và tặng bằng khen cho 2 cụ 70 tuổi ở huyện Tứ Kỳ đã có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây của tỉnh. Sau đó, Bác giơ tay bắt nhịp cho mọi người hát bài hát "Kết đoàn"... Cả biển người đồng thanh vừa vỗ tay vừa hát theo nhịp tay của Bác. Tiếng hát hùng hồn vang dậy một vùng thị xã.
Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời tôi được gặp Bác Hồ. Gần 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh Bác hôm ấy còn in mãi trong trái tim tôi.
NGUYỄN XUÂN BỐI(Ghi theo lời kể của đồng chí Đinh Thanh Bình)